TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) kể lại diễn biến của bệnh nhi VNTO (12 tuổi, ngụ Bình Thuận) bị viêm cơ tim tối cấp trên đường đưa từ Bình Thuận vào bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu mới đây. Hiện tình trạng bé O. đã ổn định và chuẩn bị được xuất viện.
Trước đó, vào ngày 24-10, bé O. đang tập thể dục ở trường và than mệt nên được cho về nghỉ ngơi. Sang hôm sau, bé đột ngột ngất, lơ mơ, rối loạn tri giác nên người nhà đã đưa đến BV địa phương sơ cấp cứu và chuyển BV đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Tại đây, các bác sĩ (BS) ghi nhận nhịp tim bệnh nhi đập chỉ 26 lần/1 phút, gần như ngưng tim vì nhịp tim bình thường ở độ tuổi này phải đạt 70-80 lần/1 phút. Bệnh nhi được hồi sức, cho thở ôxy dùng thuốc kích thích nhịp tim.
Bé gái được bác sĩ chăm sóc tại bệnh viện
Nghĩ tới bệnh cảnh viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim nặng nên các BS đã liên hệ và hội chẩn khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 TP.HCM để chuyển viện gấp cho bệnh nhi. Lúc đó tại BV Nhi đồng 1, các BS đã kích hoạt báo động đỏ huy động các khoa sẵn sàng phương tiện kỹ thuật cấp cứu, đồng thời mời êkip khoa hồi sức BV Chợ Rẫy hỗ trợ tiến hành chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhi ngay khi nhập viện.
Quãng đường khá dài từ Bình Thuận đến TP.HCM, các BS hai BV liên tục liên lạc với nhau. Tuy nhiên, một sự cố không mong muốn đã xảy ra khi xe cấp cứu phải len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc đến nửa tiếng, bệnh nhi ngày càng tím trên xe khiến các BS rất lo lắng.
Khi xe vừa đến cổng cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở và ngay lập tức được đẩy vào khoa hồi sức cho tim đập trở lại. Trong vòng 1 giờ, êkip bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã phối hợp với ekip khoa hồi sức BV Chợ Rẫy tiến hành đặt xong ECMO thay thế chức năng tim phổi. Nhờ vậy, chức năng cơ tim, huyết động học của bệnh nhi dần cải thiện. “Nếu chỉ trễ 5 phút nữa là bé gái khó có cơ hội được cứu sống”, BS Quang nhận định.
Tuy nhiên, ”sóng gió” liên tục ập đến khi trong vòng 48 tiếng sau, tim bệnh nhi loạn nhịp liên tục cứ vài phút một lần, kèm theo đó là rối loạn huyết động học. Ngoài đặt máy ECMO, các BS phải lọc máu liên tục để giúp tình trạng bệnh nhi dần ổn định. Đến ngày thứ 6 của bệnh (31-10), tình trạng bệnh nhi cải thiện hoàn toàn, được cai ECMO.
Đến hôm nay (12-11), bệnh nhi O. đã phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng, dự kiến sẽ xuất viện trong ngày. Bệnh nhi cần được tái khám định kỳ, theo dõi diễn tiến 1-2 năm.
Theo Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Nguyên trưởng khối Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nặng, khởi phát đột ngột, tổn thương cơm tim nặng dẫn đến sốc tim. Bệnh nhi được cứu sống là nhờ nhận biết bệnh ban đầu ở tuyến dưới và phối hợp chuyển viện tốt. Ngoài ra, kỹ thuật ECMO chứng minh hiệu quả trong cấp cứu những ca rối loạn hô hấp nhịp tim nặng, giúp đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.
Theo Pháp Luật TP
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp