Sau 90 phút làm bài, các thí sinh ra khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Một số phụ huynh nóng lòng hỏi các thí sinh ra trước con mình :"Đề dễ không con?"_Đều nhận được câu trả lời là : "Dễ".
Tuy đề thi năm nay không quá nặng với các thí sinh, thậm chí dư thời gian khá nhiều nhưng vẫn có nhiều thí sinh không làm được bài vì lỡ học "sai tủ". Minh Đạt (THPT Hùng Vương - Q.5) cười buồn nói: "Đề không khó nhưng em học không trúng tủ, chắc chỉ đạt 50% thôi".
Riêng câu 3b ở phần II dành cho chương trình nâng cao vẫn tỏ ra sức nặng của mình vì khá khó ngay cả đối với các thí sinh học chuyên khối C. Có thể nói các đề thi năm nay khá nhẹ đối với các thí sinh, với cách ra đề này học sinh trung bình sẽ có cơ hội đậu tốt nghiệp cao hơn những năm trước.
Ban tư vấn Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cập nhật nhanh nhất lời giải các môn thi tốt nghiệp THPT. Dưới đây là gợi ý lời giải môn lịch sử:
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH
Câu I. (3,0 điểm)
Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Tám năm 1945
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc.
+ Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
+ Quá trình chuẩn bị trong suốt 15 năm qua các phong trào cách mạng 1930 - 1935, 1936 - 1939, 1939 - 1945.
+ Toàn Đảng, toàn dân nhất trí, đồng lòng, không sợ hy sinh, gian khổ, quyết tâm giành độc lâp, tự do.
- Nguyên nhân khách quan:
+ Chiến thắng của Hồng quân Liên xô và quân Đồng minh đã cố vũ tinh thần và niềm tin cho nhân dân ta
2. Ý nghĩa lịch sử
a. Với lịch sử dân tộc
- Mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, ách thống trị của phát xít Nhật và lật đổ chế độ phong kiến bảo thủ.
- Đánh dấu bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.
- Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành đảng cầm quyền, chuẩn bị điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo.
b. Đối với thế giới
- Góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong chiến thắng thế giới thứ hai, chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
- Cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
- Đưa đến sự ra đời của nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đứng vào hàng những nước dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
Câu II. (4,0 điểm)
1. Nội dung cơ bản của Hiệp định Pa-ri năm 1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam:
- Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
- Hai bên ngừng bắn ở miền Nam lúc 24 giờ ngày 27/01/1973 và Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi hoạt động chống phá miền Bắc Việt Nam.
- Hoa Kỳ rút hết quân đội của mình và quân đồng minh, huỷ bỏ các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
- Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.
- Các bên thừa nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị (lực lượng cách mạng, lực lượng hoà bình trung lập và lực lượng chính quyền Sài Gòn).
- Hai bên trao trả tù binh và dân thường bị bắt.
- Hoa Kỳ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi với Việt Nam.
2. Hiệp định Pa-ri đã tạo điều kiện để nhân dân ta tiếp tục đứng lên đấu tranh giải phóng hoàn toàn Miền Nam là:
- Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Từ Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam. Là sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
- Với thắng lợi của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đây cũng chính là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
- Từ sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào miền Nam, thế chân thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Việt Nam một lần nữa trải qua cuộc chiến tranh trường kỳ, bền bỉ chống Mỹ để đi tới việc ký kết Hiệp định Pari, ngày 27 tháng 1 năm 1973.
PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)
Câu 3.a. Theo chương trình chuẩn (3,0 điểm)
1. Tình hình kinh tế, khoa học kỹ thuật của Mĩ trong giai đoạn 1945 – 1973
a. Kinh tế
- Sau CTTG II, kinh tế Mỹ phát triển mạnh: công nghiệp chiếm 56,5% tổng sản lượng công nghiệp thế giới; nông nghiệp bằng hai lần 5 nước Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia, Nhật cộng lại; nắm 50% số lượng tàu bè đi lại trên biển, ¾ dự trữ vàng thế giới, chiếm 40% tổng sản phẩm kinh tế thế giới…
- Khoảng 20 năm sau chiến tranh, Mỹ là trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới.
b. Về Khoa học- Kỹ thuật
- Mỹ là nước khởi đầu và đạt nhiều thành tựu cuộc cách mạng khoa học- kỹ thuật hiện đại: đi đầu trong lĩnh vực chế tạo công cụ sản xuất mới (máy tính điện tử, máy tự động); vật liệu mới (polyme, vật liệu tổng hợp); năng lượng mới (nguyên tử, nhiệt hạch); sản xuất vũ khí, chinh phục vũ trụ, “cách mạng xanh” trong nông nghiệp…
- Thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển , ảnh hưởng lớn đến thế giới .
2. Việc áp dụng những thành tựu khoa học hiện đại có tác dụng to lớn với sự phát triển của kinh tế Mĩ:
- Nâng cao năng suất lao động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Hạ giá thành sản phẩm.
- Điều chỉnh hợp lí cơ cấu sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Câu 3.b. Theo chương trình nâng cao
Nội dung các chiến lược phát triển kinh tế của nhóm 5 nước sáng lập ASEAN sau khi giành được độc lập đến năm 2000:
- Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam á (Association of Southeast Asian Nations-ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 bởi Tuyên bố Băng-cốc, Thái Lan, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực.
- Khi mới thành lập ASEAN gồm 5 nước là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan.
- Sau khi dành được độc lập, 5 nước này thực hiện chiến lược kinh tế hướng nội với mục tiêu nhanh chóng xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng nền kinh tế tự chủ.
- Nội dung chủ yếu của chiến lược kinh tế hướng nội: đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thay thế hàng nhập khẩu, lấy thị trường trong nước làm chỗ dựa để phát triển sản xuất từ đó thu được một số thành tựu cơ bản:
- Từ những năm 60 – 70 trở đi, chính phủ các nước này chuyển sang chiến lược công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm chủ đạo (chiến lược kinh tế hướng ngoại), mở cửa nền kinh tế, thu hút vốn và kỹ thuật của nước ngoài, tập trung sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, phát triển ngoại thương. Và cũng từ đó thu hút được nhiều thành tựu, thúc đẩy kinh tế phát triển.
- Tuy nhiên, chiến lược kinh tế hướng ngoại cũng có các hạn chế như phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, đầu tư bất hợp lý dẫn đến hậu quả mà điển hình là khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1977, chính trị không ổn định.
- Đến năm 1999 – 2000 kinh tế các nước này mới được khôi phục và có tốc độ tăng trưởng đạt 4 – 5%.
=== Hết ===