Theo đó, trong số 17 người đăng ký hiến huyết tương có 9 người được sàng lọc, 2 người đã được lấy huyết tương, còn lại đang chờ kết quả. Các mẫu huyết tương thu thập được sẵn sàng cho người bệnh cần sử dụng.
Đáng chú ý nhất là chị Kelly Michelle Koch, 50 tuổi, quốc tịch Mỹ, đã từ TPHCM bay ra Hà Nội để tham gia sàng lọc hiến huyết tương điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tháng 3/2020, chị Kelly Koch trở về Việt Nam sau chuyến đi Thái Lan, bị mắc Covid-19 và trở thành bệnh nhân 83 của Việt Nam, được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Rất may bệnh của chị tương đối nhẹ và chị đã được công bố khỏi bệnh ngày 4/4.
Từ đó đến nay chị vẫn sống ở Việt Nam và “cảm thấy may mắn vì có mặt ở Việt Nam trong giai đoạn này và tin Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt để bây giờ chính tôi được tự do làm việc lại đây mà không phải lo lắng gì”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế đối với những bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi, hiến huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân đang mắc bệnh, sáng 12/8, chị Kelly Koch đã tới Phòng khám sàng lọc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm thủ tục để hiến huyết tương.
Chị nói: “Tôi mong mọi người không sợ hãi, hiến huyết tương cũng giống như hiến máu. Tôi hạnh phúc vì được hiến huyết tương”.
Trong sáng 12/8 có 5 bệnh nhân từng mắc COVID-19 tới khám sàng lọc để hiến huyết tương.
Theo các chuyên gia, trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng và bệnh nặng. Điều quan trọng nhất trong Hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng huyết tương.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn việc hiến huyết tương của người điều trị khỏi bệnh COVID-19 cũng được đặt lên hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SAR-COV-2 và các tác nhân gây bệnh khác cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, quá trình lấy huyết tương không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe người hiến, bởi sẽ có hệ thống máy lọc để tác riêng huyết tương của người bệnh.
Người đủ điều kiện hiến huyết tương là người từ 18-65 tuổi, cân nặng trên 50kg đối với nam và 45kg với nữ, từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Các đối tượng này sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch.
Người nhận huyết tương là bệnh nhân COVID-19 từ 18 tuổi đến 75 tuổi được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng, đáp ứng tất cả tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu.
Người bệnh đã khỏi COVID-19 có thể chủ động liên hệ tới đường dây nóng 19003228 của bệnh viện để được tư vấn, giải đáp. Việc hiến này là hoàn toàn tự nguyện. Người cho có quyền chấm dứt tham gia hiến tặng.
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này sẽ được triển khai tại các đơn vị BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Đà Nẵng và một số BV khác do Bộ Y tế giao nhiệm vụ.
Liệu pháp huyết tương đã từng được áp dụng chưa, hiệu quả ra sao?
Liệu pháp dùng huyết tương của người bệnh phục hồi đã được sử dụng rất lâu, qua các vụ dịch từ đầu thế kỷ 20 như dịch cúm, quai bị, sởi...
Theo thống kê của 8 nghiên cứu trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918 với 1.703 bệnh nhân thấy rằng, việc sử dụng huyết tương của người đã phục hồi đã làm giảm tỉ lệ tử vong một cách có ý nghĩa.
Sau này, liệu pháp dùng huyết tương này cũng được sử dụng trong đại dịch SARS, Ebola... đặc biệt trong dịch COVID-19 thì liệu pháp này đã được nghiên cứu và áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Ở Trung Quốc, các bác sĩ đã dùng huyết tương của người đã phục hồi cho bệnh nhân nặng với kết quả khá khích lệ Đây cũng được coi là phương pháp điều trị và được đưa vào tài liệu hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện.
Nhiều bác sĩ cũng chia sẻ: "Chúng tôi cũng mong muốn những bệnh nhân đã khỏi COVID-19 tham gia hiến huyết tương giúp đỡ điều trị cho những bệnh nhân khác, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Số lượng lấy huyết tương khoảng 600ml, việc tách huyết tương bằng thiết bị rất hiện đại chỉ gạn lấy huyết tương, còn các tế bào máu như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu vẫn ở lại cơ thể người hiến. Do đó những ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến là gần như không có. Sau khi hiến huyết tương có thể bù thêm lượng dịch bị thiếu để người hiến ổn định sức khỏe ngay....". Người bệnh đã khỏi COVID-19 có thể chủ động liên hệ tới đườngdây nóng 19003228 hoặc Phòng Công tác xã hội, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ươngđể được tư vấn, giải đáp. |
Cao đẳng Dược TPHCM sưu tầm và tổng hợp