Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới đến trong tình trạng quấy khóc, toan chuyển hóa... Bệnh nhi 8 tháng tuổi được chẩn đoán bị ngộ độc methanol do người mẹ rửa mũi cho con nhưng nhỏ nhầm dung dịch cồn methanol 90 độ.
Ngay lập tức, trẻ được xử trí cấp cứu đảm bảo các chức năng sống về hô hấp, tuần hoàn, lọc máu liên tục.
Theo bác sĩ Trần Đăng Xoay, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau gần 1 ngày điều trị lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhi ổn định, các chỉ số trở về ngưỡng bình thường. Hiện, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi điều trị các biến chứng do ngộ độc.
Theo BS Xoay, đối với các trường hợp trẻ ngộ độc cồn methanol, vấn đề xử trí cấp cứu ban đầu hết sức quan trọng để bảo toàn các chức năng hô hấp, tuần hoàn, thần kinh cho trẻ. Sau đó, cần đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời. Khi trẻ bị ngộ độc cồn, tình trạng toan chuyển hóa có thể xảy ra, trong trường hợp nặng, nếu chậm trễ trong việc cấp cứu trẻ có thể tử vong.
Trước đó, Khoa nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai bị tổn thương mũi do người mẹ lấy nhầm chai cồn 90 độ để rửa mũi cho con.
Đó là bé trai Đ.G.P. (1 tuổi, ở Hà Nội). Theo lời người mẹ, do con bị viêm mũi họng nên trước khi đi ngủ đã được mẹ rửa mũi họng. Tuy nhiên, sau khi bơm khoảng 20 ml cồn 90 độ từ xi-lanh vào mũi con, thấy con quấy khóc nhiều, nước chảy ra tay lạnh và ngửi thấy mùi cồn, người mẹ mới hốt hoảng phát hiện ra sự nhầm lẫn này. Chị vội vàng rửa mũi cho con bằng nước muối và đưa vào viện. Tại đây bác sĩ xác định bé P. bị tổn thương niêm mạc mũi, niêm mạc hai mũi đỏ, trẻ quấy khóc nhiều.
Các bác sĩ cảnh báo, việc nhỏ nhầm cồn vào mũi trẻ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng, kích thích niêm mạc mũi làm nước mũi chảy nhiều hơn. Trường hợp nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi bởi cồn 90 độ rất nóng, trong khi niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng.
BS khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý khi vệ sinh mũi cho con vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ. Tránh để lẫn các vật dụng khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, như nước muối sinh lý và cồn methanol.
Nếu chẳng may có sơ xuất, nhầm lẫn thì gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu đúng phương pháp.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm