Trường hợp thương tâm trên là bé trai V.Đ.P. (15 tháng tuổi ngụ tại Lâm Đồng). Ngày 23/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho hay, bệnh nhi được gia đình chuyển đến trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, tiên lượng điều trị rất dè dặt.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước khi gặp nạn, cháu bé mới chập chững biết đi chơi trong nhà. Cùng thời điểm này, bà nội của bé đang sắc thuốc để uống trị bệnh, bình thuốc được đun sôi liên tục, đặt trên bàn. Tò mò khám phá, bé với tay lên bàn làm đổ bình bình sắc thuốc nước sôi tràn từ trên bàn dội thẳng xuống người khiến cháu bị bỏng nặng.
Bệnh nhi đã tử vong vì nhiễm trùng máu, hoại tử vết thương sau khi người nhà đắp lá cây trị bỏng
Gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương cấp cứu, bác sĩ xác định bé bị bỏng ở vùng ngực, bụng, cẳng chân. Sau 1 ngày nhập viện điều trị, gia đình đã đưa bé về nhà bất chấp lời khuyên ngăn của y bác sĩ. Tại nhà, bé được ông bà lấy lá cây giã nhuyễn rồi đắp vào vùng bị bỏng trên cơ thể bệnh nhi.
Tuy nhiên, sau 9 ngày đắp lá, vết bỏng chẳng những không lành mà còn lở loét, nhiễm trùng, hoại tử. Lúc này, gia đình mới tá hỏa, vội đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng đã muộn. Qua thăm khám, xét nghiệm bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan. Dù bệnh viện đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua được nguy kịch.
Các bác sĩ nhận định, diện tích bỏng và tổn thương do bỏng gây ra trên cơ thể bệnh nhi không đến mức đe dọa tính mạng. Nếu ngay từ đầu, gia đình tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì sẽ không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, việc tự ý đắp lá cây trị bỏng đã vô tình khiến vùng da bị tổn thương nhiễm trùng, hoại tử cướp đi sinh mạng của bé.
Để hạn chế những vụ việc tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo, trường hợp trẻ không may bị bỏng, người nhà hoặc người sơ cứu cần ngâm vùng da bị tổn thương trong nước nguội sạch hoặc xả nước mát liên tục lên vết thương trong khoảng 15 phút, sau đó đắp gạc vô khuẩn rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Mọi người tuyệt đối không bôi kem đánh răng, mỡ trăn; Không chườm đá, lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng là vô cùng nguy hiểm. Lý do vì nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Thậm chí, nếu bỏ nhiều đá trong nước có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ có thể lên đến 45 đến 50 độ C. Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh sẽ làm tình trạng tổn thương bỏng nặng hơn…
Bất kể người lớn hay trẻ nhỏ bị bỏng, việc sơ cứu, điều trị tuyệt đối không được bôi các loại mỡ, các loại mắm, kem đánh răng hoặc đắp lá bởi đây là nguyên nhân dẫn tới nhiễm trùng, hoại tử gây khó khăn cho việc điều trị, đe dọa tính mạng nạn nhân.
Nguồn: Dân trí
Theo Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp