Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Dùng thuốc mua qua mạng, người phụ nữ sụt còn 36 kg

Cập nhật: 04/12/2020 09:54 | Trần Thị Mai

Do nghe lời giới thiệu của người quen, nữ bệnh nhân đái tháo đường chuyển sang uống thuốc mua trên mạng dẫn đến diễn biến xấu.

Dùng thuốc mua qua mạng, người phụ nữ sụt còn 36 kg

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Bộ (70 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) trong tình trạng nồng độ đường huyết cao (hơn 39 mmol/l), mất nước, mệt mỏi nhiều.

Bà Bộ ngậm ngùi: "Nghĩ lại thì giờ cũng đã muộn. Tôi thấy mình may mắn vì đã đến bệnh viện sớm".

Mua thuốc trên mạng vì mong khỏi bệnh nhanh

Trước đó, bệnh nhân Bộ được phát hiện mắc đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm và phải duy trì điều trị theo đơn thuốc của bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, khoảng 8 tháng gần đây, bệnh nhân được người quen giới thiệu, mua một loại thuốc được quảng cáo trên Internet. Bà sử dụng loại thuốc này và ngưng hoàn toàn thuốc đái tháo đường được bác sĩ kê trước đó.

Nữ bệnh nhân cho biết sau một thời gian uống thuốc, bà thấy cơ thể mệt mỏi và phải nhờ con gái yêu cầu đơn vị bán hàng đổi loại khác. Tuy nhiên, sau khi sử dụng loại mới, tình trạng mệt mỏi không tiến triển, thậm chí một bên mắt phải của bà gần như không còn thấy gì. Lúc này, bà xin chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

"Uống thuốc được một thời gian, tôi thấy mệt và xuống cân nhiều. Ban đầu tôi nặng 54 kg, giờ chỉ còn 36 kg. Hồi đó vì muốn nhanh khỏi nên ai bảo gì tôi cũng làm theo", bà Bộ cho hay.

Theo lời kể của gia đình, chi phí cho mỗi hộp thuốc là 400 nghìn đồng. Đến thời điểm nhập viện, gia đình đã tiêu tốn tổng cộng 2,4 triệu đồng cho việc điều trị bằng loại thuốc này.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ đã phải nhanh chóng bù dịch, sử dụng insulin cho bệnh nhân để kiểm soát đường huyết. Sau 2 ngày điều trị, toàn trạng bệnh nhân đã khá hơn, các triệu chứng như khát nước, mệt mỏi được cải thiện.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Đồng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Đái tháo đường chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Đồng, Trưởng khoa Cấp cứu, đái tháo đường (tiểu đưởng) là bệnh mạn tính do tuyến tụy tiết insulin không đủ hoặc tế bào mất khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể gây tăng đường huyết. Hai nguyên nhân này thậm chí có thể xảy ra đồng thời.

Đái tháo đường có thể chia thành 3 loại chính là đái tháo đường type 1 (chiếm khoảng 10% số trường hợp, thường gặp ở trẻ em và vị thành niên), đái tháo đường type 2 (chiếm khoảng 90%, thường gặp ở người trưởng thành) và đái tháo đường thai kỳ (tăng đường huyết trong khi mang thai).

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn và vận động, người bệnh đái tháo đường type 1 buộc phải dùng insulin để kiểm soát đường huyết. Trong khi đó, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có thể dùng các loại thuốc viên hạ đường huyết hoặc insulin kết hợp. Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ nếu điều chỉnh chế độ ăn không đạt mục tiêu, phải dùng thêm insulin kiểm soát đường huyết để tránh nguy cơ cho mẹ và bé.

Thạc sĩ Đồng khẳng định bệnh đái tháo đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, tuân thủ điều trị tốt kết hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn, vận động, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe với bệnh.

"Bệnh nhân đôi khi mang tâm lý quá lo lắng do nghĩ đái tháo đường là bệnh phải điều trị suốt đời. Đồng thời, một số cơ sở hiện nay hứa hẹn việc dùng các loại thuốc khác nhau sẽ giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh hoàn toàn khiến nhiều người tin tưởng và làm theo. Do đó, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn cũng như cho lời khuyên phù hợp, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép", bác sĩ Đồng nhấn mạnh.

Theo ông, hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế kiểm chứng và cấp phép. Bệnh nhân sau một thời gian sử dụng và ngưng thuốc được bác sĩ kê, khi khám lại mới phát hiện đường huyết tăng cao hoặc xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, toan chuyển hóa nặng nề phải lọc máu cấp cứu, thậm chí tử vong vì đến bệnh viện quá muộn.

Do đó, bác sĩ Đồng khuyến cáo khi bị đái tháo đường, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường để được đánh giá, chẩn đoán và xác định các yếu tố nguy cơ. Từ đó, các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị tổng thể, phù hợp với bệnh nhân.

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp