Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm
Tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 24/2 do Bộ Y tế và báo Người lao động tổ chức, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, trước khi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 hay bất kỳ 1 loại vắc-xin nào, đối tượng tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng khi đủ điều kiện về sức khỏe. Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm. Đáp ứng miễn dịch sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu sức khỏe của đối tượng tiêm chủng bình thường. Vì vậy, khi đi tiêm chủng, người dân cần phối hợp với cán bộ y tế chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại.
Trước câu hỏi việc vắc-xin này có chống chỉ định với người mang bệnh mạn tính nào hay không, PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết: Vắc- xin COVID-19 được khuyến cáo sử dụng cho đối tượng từ 65 tuổi trở lên và các đối tượng có bệnh nền như béo phì, tim mạch, hô hấp, tiểu đường… vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 nặng. Trước khi tiêm vắc-xin, các đối tượng tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin COVID-19
Về tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, theo PGS-TS Dương Thị Hồng, cũng như sử dụng thuốc hay các loại vắc-xin khác đều có thể có phản ứng không mong muốn bao gồm: Phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng /hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca, các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %.
Tuy nhiên các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp được báo cáo theo kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, Nam Phi, Anh thì tỉ lệ phản ứng còn có thể cao hơn, cụ thể đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (>40%); sốt, ớn lạnh (>30%); và đau khớp, buồn nôn (>20%).
Việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch
Cũng theo bà Hồng, tiêm vắc-xin là phương pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả phòng COVID-19. Để đảm bảo được miễn dịch cộng đồng thì cần tiêm chủng tối thiểu cho khoảng 70% dân số trong cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có đủ vắc-xin bao phủ trong cộng đồng, chúng ta cần tuân thủ thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Theo kế hoạch, việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không phải là triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức cuốn chiếu tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vắc-xin.
Dựa trên hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng bao gồm TCMR tại xã, phường, điểm tiêm chủng tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Nhân lực tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng. …
Đồng thời trong năm 2020, Dự án TCMR đã được tập huấn hướng dẫn cho cán bộ tiêm chủng toàn quốc về tiêm chủng an toàn và phòng, chống lây nhiễm SAR-COV-2... để đảm bảo tổ chức tiêm chủng vắc-xin an toàn ngay trong bối cảnh có dịch.
Tuy nhiên, vắc-xin phòng COVID-19 là vắc-xin mới, do vậy cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... để đảm bảo triển khai vắc-xin an toàn.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp