Đó là khuyến cáo của bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) tại hội thảo thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm, do Hội truyền nhiễm TP.HCM tổ chức sáng 26-10.
Theo bác sĩ Hùng, thực trạng kháng kháng sinh hiện nay đang là vấn đề bức bách của toàn cầu. Việc này kéo theo hàng loạt nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn trong bệnh viện, chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong của người bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, giai đoạn từ năm 2014 - 2050 có khoảng 300 triệu người tử vong do kháng kháng sinh.
Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy lượng kháng sinh được nhập khẩu và sản xuất tại trong nước có chiều hướng tăng hàng năm. "91% phụ nữ nông thôn và 88% phụ nữ ở thành thị thừa nhận thường xuyên mua thuốc kháng sinh ở các tiệm thuốc tây để điều trị cho con.
Và phần lớn các sản phẩm nông sản của nước ta nhập khẩu vào các nước châu Âu khi bị trả về đều có nguyên nhân lớn từ việc dư lượng thuốc kháng sinh quá cao so với mức cho phép", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - trình bày chủ đề kháng kháng sinh tại hội thảo
Theo thống kê có tới hơn 50% kháng sinh sử dụng trong các bệnh viện hiện nay không hợp lý. "Có nhiều trường hợp sử dụng kháng sinh không cần thiết trên bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn, chỉ nghi nghi là xài hoặc xài theo kiểu dự phòng.
Kế đến là sử dụng kháng sinh không thích hợp khi bác sĩ chọn sai yếu tố, sai liều và sai thời điểm. Đặc biệt việc sai này thường xảy ra ở khối ngoại khoa", bác sĩ Hùng phân tích.
Trình chiếu một bức ảnh có nội dung con vi khuẩn đang bao vây và bóp cổ người bệnh, bác sĩ Hùng cảnh báo trong bối cảnh kháng sinh mới được sản xuất ra ngày càng giảm và tỉ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn càng tăng, nếu không có sự quản lý, sử dụng kháng sinh tốt thì tương lai con người đối diện với nguy cơ bệnh tật rất lớn.
Từ năm 2009, Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng được mạng lưới quản lý kháng sinh. Và đến năm 2015 đơn vị có các dữ liệu về vi sinh, bằng chứng hóa học trong việc sử dụng kháng sinh không hợp lý nhằm kịp thời điều chỉnh, phòng chống.
Thông qua việc quản lý, hướng dẫn kháng sinh nghiêm ngặt theo từng loại bệnh, bệnh viện đã tăng mức tỉ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân tăng mức 90%.
Đặc biệt, từ khoảng 2014 - 2018 đơn vị giảm tỉ trọng sử dụng kháng sinh trong bệnh viện từ 30% xuống còn 15%, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện là 117 tỉ đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, thực trạng sử dụng kháng sinh bất hợp lý đang là vấn đề mang tính toàn cầu, nếu không có biện pháp kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ trái đất trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tốc độ lan rộng vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh do tình trạng lạm dụng kháng sinh và sự thiếu kiểm soát của nhân viên y tế trong việc sử dụng các loại thuốc này.
Kháng sinh là thuốc có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh, hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, lúc đó phải sử dụng kháng sinh liều cao hơn, hoặc các loại kháng sinh khác để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn sau này, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, sức khỏe suy yếu.
Sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả trong các cơ sở y tế và cộng đồng hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành y tế, bởi tình hình sử dụng kháng sinh đang theo “Quy tắc 30%” tức là 30% chi phí thuốc trong bệnh viện là của kháng sinh; 30% kháng sinh được kê không phù hợp trong cộng đồng; 30% bệnh nhân nội trú sử dụng kháng sinh. Tỉ lệ này đã cho thấy thực trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, và việc không tuân thủ sẽ phát sinh thêm chi phí cho bệnh nhân nằm viện.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp