Sáng ngày 2/6, cả nước có 910.831 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và môn Văn là môn thi đầu tiên diễn ra vào lúc 8h sáng.
Khác với những năm trước, cấu trúc đề thi môn Văn năm nay có nhiều thay đổi (gồm 2 phần đọc hiểu và viết, trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu) nhiều học sinh tỏ ra lo lắng và ái ngại trong môn thi sáng nay là điều khó tránh khỏi. Trước đó, việc đổi mới đề thi tốt nghiệp môn Văn được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 10/4, trong khi thời gian thi tốt nghiệp chỉ còn chưa đầy 2 tháng, khiến cả thầy cô giáo và học sinh gặp không ít khó khăn trong việc ôn tập, thích ứng với môn học.
Dưới đây là đề thi chính thức môn Văn kỳ thi THPT 2014 mà Bộ GD-ĐT vừa mới công bố được ban tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cập nhật.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT 2014:
Nhận xét chung về đề thi Ngữ Văn kỳ thi THPT 2014
Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM: Đề văn hay và mang tính thời sự cao
Đa số những thí sinh tôi gặp đều tỏ ra thích thú với đề thi văn năm nay. Nếu câu 1 vừa mang tính thời sự vừa khơi gợi tình yêu Tổ quốc để học sinh bày tỏ thái độ thì câu 2 khơi gợi khát vọng sống thật với chính mình.
Bố cục và nội dung như vậy là hợp lý, vừa sức và có yếu tố mới trong mỗi câu. Mặc dù có nét rất mới so với những năm trong việc hỏi phong cách văn bản và hiệu quả sử dụng từ ngữ nhưng nhìn chung đề thi nhẹ nhàng, không đánh đố thí sinh nên chấp nhận được. Cần có những đề thi giàu tính nhân văn, giáo dục như thế.
* Ông Nguyễn Đức Hùng, giáo viên môn Văn, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM): Đề văn bất ngờ và đầy cảm xúc
Đề thi năm nay đã thay đổi về hình thức ra đề. Nếu như những năm trước đó, đề có cấu trúc câu hỏi giáo khoa 2 điểm, nghị luận xã hội 3 điểm, nghị luận văn học 5 điểm, thì năm nay, kết cấu đề chia thành hai phần: đọc hiểu 3 điểm và làm văn 7 điểm.
Điều bất ngờ là câu hỏi phần đọc hiểu, với đoạn văn chính luận giàu tính biểu cảm. Chính câu hỏi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.
Đặc biệt, câu 3 của phần đọc hiểu còn có “đất” cho thí sinh phát biểu cảm tưởng của bản thân với vấn đề có tầm vóc lớn lao thuộc chính sự.
Ở phần làm văn, đề thi hay nhưng không khó, vừa tầm với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều mới mẻ, đầy tính sáng tạo và hợp lý là đề thi kết hợp giữa hai phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội (một bên là phân tích hình tượng nhân vật và một bên bày tỏ suy nghĩ bản thân) và vẫn thành một chỉnh thể không tách rời giữa văn học nghệ thuật với đời sống.
Với đề này, phần lớn thí sinh thực hiện nhẹ nhàng và chắc chắn có cảm xúc thú vị. Dự đoán phổ điểm năm nay của môn văn phải 95% đạt điểm trung bình trở lên.
* Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên bộ môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM): Đề văn giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh
Cô Hiền cho biết: “Tôi thấy đề thi khá bất ngờ nhưng không khó khăn, không đánh đố học sinh; giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Đề thi theo hướng mở.
Đặc biệt trong phần làm văn, có sự kết hợp nghi luận văn học và nghị luận xã hội là một sự đổi mới, giúp đánh giá năng lực học sinh, kết hợp kiến thức xã hội và kiến thức văn chương, liên hệ bản thân, học sinh phải thể hiện tư tưởng tình cảm bản thân trước quan niệm sống và hoàn thiện kỹ năng bản thân một cách toàn diện
Nhận xét về đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, cô Bùi Nguyệt Hồng, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho rằng sẽ vô hiệu hóa việc sử dụng tài liệu của học sinh.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng băn khoăn với cấu trúc điểm của đề thi này: "Tôi cho rằng, câu 2 được 7 điểm là hơi nhiều. Còn câu hỏi yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm về chủ quyền, biển đảo nên cho 2 điểm".
Trước ý kiến của nhiều học sinh băn khoăn về phần làm văn, cô Hồng cũng nhận định đề bài này tương đối khó so với học sinh ban tự nhiên.
Đối với câu hỏi bày tỏ quan điểm về hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cô Hồng cho rằng ngoài việc thể hiện lòng yêu nước, học sinh cần thể hiện thái độ bảo vệ chủ quyền dân tộc gắn với khát vọng hòa bình và sự tỉnh táo, sáng suốt trong hành động.
Thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên dạy Văn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) chia sẻ: "Đề thi là lời nhắc nhở về ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ với vấn đề độc lập, chủ quyền đất nước".
Các câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu và tạo lập văn bản, phát huy sự sáng tạo và bày tỏ quan điểm riêng của mỗi học sinh. Do phải trả lời câu hỏi dựa trên văn bản ngoài sách giáo khoa, nên các em không thể làm được bài nếu học tủ, học lệch, lý thuyết suông.
Đối với phần làm văn nhiều học sinh kêu khó, "lệch tủ", thầy Hùng phân tích: "Câu hỏi về vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt không gây bất ngờ. Nhưng điểm mới của đề thi này là không tách phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học thành hai câu hỏi riêng biệt mà tích hợp trong một câu.
Cách hỏi như vậy vừa kiểm tra được kiến thức về văn bản văn học đồng thời lại đánh giá được kĩ năng làm bài văn nghị luận của học sinh. Trong thời gian làm bài 120 phút (ít hơn so với năm trước 30 phút) thì việc tích hợp các nội dung kiểm tra kiến thức, kĩ năng trong một câu hỏi tổng hợp như vậy là phù hợp".