Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn chia sẻ đề thi thử môn Ngữ Văn của trường Nguyễn Huệ - Thừa Thiên Huế. Qua tài liệu này, hy vọng các em đã có thể nắm vững kiến thức, chuẩn bị tốt cho kì thi.
Đề thi thử
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :
TỰ SỰ
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho hạt nảy mầm
Nhưng chồi tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta?
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc giống như bầu trời này vậy
Có khi nào giành chỉ cho riêng ta.
(Lưu Quang Vũ).
Câu 1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ?
Câu 2. Nêu biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ cuối .
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về hai dòng thơ :
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta?
Câu 4. Văn bản trên đem đến cho anh/chị những nhận thức gì ?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người .
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả nhân vật Mị gắn với căn buồng có chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay:
- Lần thứ nhất: “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”
- Lần thứ hai: “Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi… ”.
(Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo Dục, 2007, tr 6 và tr7)
Phân tích hình ảnh nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
---------------- Hết ---------------
Hướng dẫn đáp án
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ cuối: So sánh
Câu 3: Hai dòng thơ trên có thể hiểu là: Cuộc sống quá bằng phẳng, không có khó khăn,trở ngại con người sẽ không nỗ lực hết mình , không có cơ có cơ hội để thể hiện ,khám phá hết hết năng lực tiềm ẩn của của bản thân , không hiểu hết những điểm mạnh điểm yếu của mình. Con người có trải qua thử thách thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành.
Câu 4: Qua văn bản trên có thể cho ta thấy được:
- Biết nâng niu, trân trọng từ những cái nhỏ bé trong cuộc sống .
- Con người có trải qua thử thách mới trưởng thành.
- Muốn đạt đến đích , muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Gợi ý làm bài
Có thể viết theo những hướng sau:
- Hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người là chặng đường dài hướng đến nhiều những mục tiêu, mục đích có ý nghĩa tích cực với giá trị nhân văn cao đẹp.
- Đó là hành trình đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, vấp ngã , thất bại… con người phải tự thân, nỗ lực để vượt qua và chinh phục đích đến không dự dẫm , ỷ lại …
- Mỗi người cần sống có lí tưởng,. Đó là động lực thôi thúc con người luôn rèn luyện , trau dồi trang bị về kiến thức, kĩ năng sống , nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc……
Câu 2: Dàn ý tham khảo
a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ...
b. Thân bài: Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả:
- Giới thiệu về nhân vật:
- Mị vốn là cô gái xinh đẹp, tài hoa, hiếu thảo và khát khao sống mãnh liệt.
- Do món nợ truyền kiếp từ hồi cha mẹ Mị cưới nhau nên Mị phải trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.
- Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả:
* Lần thứ nhất :
+/ Bối cảnh: Sau bao nhiêu năm sống trong nhà Thống Lí “ Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”; “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, “ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi”.
+/ Tâm lí, tính cách: Mị sống trơ lì, vô cảm, mất đi ý thức về giá trị bản thân, mất ý thức phản kháng, cam chịu chấp nhận số phận. Căn buồng nơi Mị ở chính là sự hình tượng hoá cho cuộc sống tăm tối, cam chịu số phận của nhân vật.
* Lần thứ hai:
+/ Bối cảnh: Mùa xuân về trên đất Hồng Ngài, âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình khiến Mị “thiết tha bổi hổi”; “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước”; Mị “từ từ bước vào buồng…Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăn g trắng”; “ Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”; “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”.
+/ Tâm lí, tính cách :
- Không còn cam chịu chấp nhận số phận, Mị nhận thức được về hoàn cảnh sống …. Tất cả cảm xúc, cảm giác : từ bồi hồi, nhớ tiếc, đến khao khát...
- Sức sống tiềm tàng trỗi dậy, Mị bắt đầu ý thức được về giá trị bản thân, về tuổi trẻ; ngọn lửa của lòng ham sống, khát khao yêu đương và tự do được thổi bùng lên; cùng với đó là ý thức phản kháng ....
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật : Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế; xây dựng chi tiết mang tính biểu tượng, ngôn ngữ giàu chất thơ, giọng điệu trần thuật linh hoạt.
c. Kết bài: Nhận xét về sự thay đỏi của nhân nhân vật Mị:
- Từ sự cam chịu, tê liệt về tinh thần đến khao khát sống mạnh mẽ, mãnh liệt. Sự thay đổi đó thể hiện chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút của Tô Hoài.
- Tâm lí, tính cách nhân vật được miêu tả gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh sống, vận động theo chiều hướng tích cực, gắn với sự thức tỉnh, sự hồi sinh. Nhân vật có khả năng vượt lên hoàn cảnh, thậm chí thay đổi hoàn cảnh sống....
------------
Học sinh cần nắm vững nội dung, nghệ thuật của những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Lưu ý rằng, trong đề chính thức, đề minh họa hay các đề thi dự trữ của môn học này năm 2019 không xuất hiện các tác phẩm lớp dưới. Các dạng bài của câu này thường là cảm nhận về một đoạn văn được trích ra từ văn bản, sau đó phân tích, nhận xét về nội dung được nói đến hay bút pháp nghệ thuật của tác giả. Ngoài ra còn nhiều cách ra đề khác nhau nên, các em không nên chủ quan ôn tủ, học vẹt.
Các tác phẩm cần lưu ý cho thí sinh bao gồm:
- Văn xuôi: Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Ngọc Phủ Tường), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Hồn Trương Ba,da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)
- Thơ: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh)
Hy vọng, các thí sinh sẽ có một mùa ôn tập hiệu quả và đạt kết quả cao các môn nói chung và môn Ngữ Văn nói riêng. Chúc các em thành công!