Ngày 9/8, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vừa thông tin về sự cố y khoa nghiêm trọng truyền nhầm máu xảy ra tại khoa sản bệnh viện này. Đại diện bệnh viện cho biết đã đình chỉ công tác 2 nữ hộ sinh là Nguyễn Thị T và Hà Thị Hằng N vì truyền máu nhóm A cho bệnh nhân nhóm máu B.
Hiện lãnh đạo bệnh viện đã đình chỉ công tác hai nữ hộ sinh, tùy vào mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật. Theo đánh giá của bác sĩ Mỹ, nữ hộ sinh N có chuyên môn tốt, từng giảng dạy nhiều nơi.
Hộ sinh N. giải trình: "Sau khi hoàn thành các bước vệ sinh, cắm kim truyền máu vào bà Blonh, tôi kiểm tra lại mới phát hiện nhầm người nên ngừng ngay việc truyền máu. Đó là sai sót của tôi".
Trước đó, ngày 3/8 bà Blonh (46 tuổi), quê Gia Lai nhập viện điều trị trong tình trạng rong huyết, thiếu máu, lượng hồng cầu giảm do u xơ tử cung. Bác sĩ khoa sản hội chẩn và đưa ra chỉ định phải cắt tử cung của bệnh nhân này. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm cho thấy số lượng hồng cầu 2,3 triệu, chất lượng tiểu cầu giảm không đủ điều kiện để phẫu thuật. Để đảm bảo ca mổ thành công, bác sĩ chỉ định truyền máu nhóm B để tăng số lượng hồng cầu và chất lượng tiểu cầu trước khi tiến hành phẫu thuật cắt tử cung.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện truyền máu cho bà Blonh hai nữ hộ sinh là Nguyễn Thị T và Hà Thị Hằng N đã lấy nhầm máu nhóm A truyền cho bà Blonh do không hỏi tên bệnh nhân, không kiểm tra nhóm máu dẫn đến truyền nhầm lẫn.
Ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, cho biết theo đúng quy trình của bệnh viện, trước khi truyền máu, nhân viên y tế phải hỏi và kiểm tra nhóm máu bệnh nhân ngay tại giường bệnh.
Sai sót này làm bệnh nhân bị choáng, tụt huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng, phải chuyển xuống Khoa Hồi sức – Tích cực chống độc cấp cứu. Rất may đã phát hiện sớm, không thì hậu rất nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình,Trưởng Khoa sản (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) cho biết, hiện tại bệnh nhân không còn choáng, không sốc, huyết áp ổn định và được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Ngay sau đó, Bệnh viện cũng đã tiến hành niêm phong túi máu bị truyền nhầm để xác định lượng máu đã truyền và xác định mức độ sai sót.
Các nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang chăm sóc cho bệnh nhân bị truyền nhầm máu
Theo ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai hai nữ hộ sinh đã nóng vội nên xảy ra sự cố. Rất may đã phát hiện sớm, không thì hậu rất nghiêm trọng.
Hiện tại bà Blonh (46 tuổi, làng Kon Sơ Nglok, xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Truyền nhầm nhóm máu nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Lai cho biết, “người nhóm máu B chỉ nhận được máu nhóm B hoặc nhóm O, chỉ cần một giọt máu A truyền vào cơ thể người nhóm máu B sẽ gây đông máu chỉ sau vài phút, nếu giọt máu đông đó đi chuyển khắp nơi trong cơ thể sẽ gây tắc động mạch, hoặc lên não. Hiệu ứng domino về phản ứng hoá học trong mạch máu sẽ diễn ra trong thành mạch rất nguy hiểm”.
Bác sĩ cũng cho biết thêm: "Rất may, nữ hộ sinh N đã phát hiện và xử lý ngưng truyền máu cho bệnh nhân ngay lập tức. Qua bước kiểm tra thể tích bịch máu và số lượng truyền ra thì có khả năng là máu nhóm A chưa vào người của bệnh nhân. Hiện sức khoẻ bệnh nhân đã tốt hơn, tuy vậy bệnh nhân này vẫn đang được cho nằm tại khoa hồi sức tích cực - chống độc để theo dõi".
Sai sót nghiêm trọng khi trường hợp người bệnh bị truyền nhầm nhóm máu tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai vừa qua đang khiến dư luận lo lắng và quan tâm. Điều đáng lo ngại ở đây không phải là sự cố đầu tiên của ngành y mà còn nhiều sai sót khác khiến không ít người trăn trở.
Theo ông Bạch Quốc Khánh - viện trưởng Viện Huyết học truyền máu TƯ, người bệnh bị truyền nhầm nhóm máu là sai sót nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe bệnh nhân, có thể dẫn tới tử vong. Truyền nhầm nhóm máu sẽ bị các biến chứng như cảm giác nóng tại chỗ truyền máu, cảm giác ớn lạnh, sốt, và đau ở lưng, hai bên sườn, tan máu mạnh, suy thận cấp, rối loạn đông máu, chảy máu… Các tán huyết nội mạch, các hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận ngay trong lòng mạch máu, và những phản ứng đồng loạt có thể gây ra sốc và đưa đến tử vong nhanh chóng.
Truyền nhầm nhóm máu sẽ dễ dẫn tới tử vong
Thông thường trên túi máu luôn có dán nhãn tên tuổi bệnh nhân có chỉ định truyền máu, nhân viên y tế nào thực hiện truyền máu cho người bệnh cần phải kiểm tra tên, tuổi bệnh nhân, trường hợp bệnh nhân trùng tên thì phải hỏi cả số phòng, số giường, nhóm máu. Nếu nhân viên y tế tập trung làm việc thì sẽ rất ít sai sót.
Nghề nào cũng vậy khi làm việc cần phải có sự tập trung, nhất là đối với ngành y đòi hỏi phải tập trung cao độ hơn vì liên quan trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó chỉ Vì một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây hậu quả mất mạng con người.
Thiết nghĩ Bộ y tế cần sớm tập trung chấn chỉnh để hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố y khoa.