Thông tin từ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, khoa vừa tiếp nhận 1 trường hợp cháu bé nhập viện do ăn nhầm phải thuốc diệt chuột.
Được biết, bé L.V.A. (17 tháng tuổi, trú tại Bảo Thắng, Lào Cai) đã ăn nhầm gạo rang trộn với thuốc diệt chuột do bố dùng để bẫy chuột. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé không qua khỏi và tử vong sau 13 giờ nhập viện.
Sự việc đau lòng trên là lời cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh nên cẩn thận hơn khi sử dụng thuốc diệt chuột cũng như các loại hóa chất khác, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.
Theo các bác sĩ, hiện nay, tình trạng ngộ độc ở trẻ em do ăn, uống nhầm phải các hóa chất độc hại như: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, côn trùng… ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này ở là do bao bì, mẫu mã đựng hóa chất ngày càng bắt mắt, giống các loại bánh kẹo hơn, gây nhầm lẫn và sự bất cẩn của người sử dụng.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc diệt chuột, nhưng đa phần thuộc hai nhóm thuốc chính: loại muối phosphua kẽm, phosphua nhôm; loại natri fluoroacetat và fluoroacetamid (hợp chất 1080 và 1081) do nhập lậu từ Trung Quốc sang.
Khi trẻ ngộ độc hóa chất nói chung và thuốc diệt chuột nói riêng sẽ có các tình trạng như: đau rát mồm, họng, thực quản, dạ dày, nôn và nôn ra máu, đi ngoài phân lỏng và có thể có máu. Chất nôn, phân và hơi thở có mùi cá thối. Bệnh nhân khát nước với triệu chứng mất nước, mất điện giải…; cảm giác bó chặt ngực, ho, khó thở, tím, mạch nhanh, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim…; đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, kích thích, khó chịu, giãy giụa, ảo giác, lo lắng, kích động, hôn mê, co cứng cơ, co giật, cơn co giật toàn thân, từ một vài cơn đến co giật liên tục (kiểu trạng thái động kinh).
Điều trị cho những trẻ ăn nhầm phải thuốc diệt chuột là điều trị hồi sức cấp cứu, cần được thực hiện tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi phát hiện trẻ ăn nhầm thuốc diệt chuột, phải đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất, không được gây nôn cho trẻ.
Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết để hết độc, nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.
Khả năng thành công điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian đi cấp cứu ban đầu. Vì vậy, khi sự việc không may xảy ra, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời, giảm tối đa tỷ lệ tử vong ở trẻ.
Đối với người lớn tốt nhất nên:
- Không sử dụng các thuốc diệt chuột loại này, hiện nước ta đã cấm.
- Quản lý tốt hóa chất bảo vệ thực vật: cất giữ đúng nơi quy định, có khóa…
- Không để bả chuột ở nơi trẻ hay chơi đùa hoặc nơi dễ nhìn thấy: cửa sổ, góc nhà, gầm giường, trên đường trẻ đi học…
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp