Qua khai thác tiền sử và kết quả khám cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhi có dị vật thực quản và tiến hành nội soi gắp thành công đồng xu ở thực quản bệnh nhi ra ngoài.
Theo các bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi thường thích khám phá các đồ vật xung quanh bằng cách đưa vào miệng mà chưa hiểu được tác hại của việc này. Một số trường hợp các dị vật sẽ ra khỏi cơ thể khi bé đi vệ sinh.
Nhưng rất nhiều trường hợp dị vật mắc lại trong đường tiêu hóa gây tắc ruột, thủng ruột hoặc thậm chí nếu rơi vào thanh quản gây tắc đường thở, dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do vậy, để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh, hay người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt như đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, viên bi, kẹp giấy... tránh xa tầm tay của trẻ.
Ngoài các vật lạ thì thức ăn đưa vào không đúng cách cũng có khi gây các biến chứng như dị vật. Như một trường hợp cách đây không lâu tại bệnh viện, các bác sĩ đã mổ cấp cứu một ca do xương cá rơi vào ruột thừa gây viêm ruột thừa.
Những dấu hiệu nghi ngờ dị vật đường thở
Thường xảy ra đột ngột, trên trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường
Trẻ có biểu hiện cơn ho sặc sụa dữ dội, khó thở, tím tái. Một số trẻ kèm theo hoảng loạn, kích động. Trẻ lớn hơn, có thể ôm cổ và ra dấu hiệu đang bị nghẹn ở cổ
Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim.
Biến chứng có thể gặp khi hóc dị vật
Biến chứng cấp tính: xảy ra ngay lập tức, trẻ có khó thở. Nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến ngạt thở.
Biến chứng lâu dài: dị vật có thể bị bỏ quên (qua giai đoạn ho sặc sụa ban đầu, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và giảm kích thích hơn do dị vật đã đi xuống dưới, nếu trẻ không được chứng kiến bởi người lớn trước đó thì sẽ bị bỏ qua) dẫn đến trẻ ho kéo dài, viêm phổi tái diễn....
Cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật
Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, la hét, không khó thở, cha mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện ngay.
Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, người hỗ trợ và tiến hành thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực.
- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ấn ngực được thực hiện
Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở
Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
- Đối với trẻ lớn (từ trên 2 tuổi) thì làm thủ thuật Heimlich
Trường hợp trẻ còn tỉnh: Đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ; Đặt 1 bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức; Đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm; Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần; Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có; Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên.
Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa; Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ; Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở, nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đội cấp cứu tới.
Khi trẻ có biểu hiện hóc dị vật, sau khi thực hiện các bước cấp cứu tại nhà, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay, để được xử trí kịp thời.
Phòng ngừa dị vật đường thở
Không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như: kẹo, đậu phộng, nho, các loại hạt…
Trẻ nên được ngồi thẳng khi ăn, và phải được giám sát bởi người lớn.
Trẻ nên được hướng dẫn cách nhai kỹ thức ăn và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn.
Để xa tầm tay trẻ những vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp