Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19" do Bộ Y tế ban hành, đối với thuốc kháng virus, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:
Nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc remdesivir, favipiravir,...).
Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập; Nên phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason).
Ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao: người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì (BMI > 25).
Không nên bắt đầu sử dụng cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, chạy ECMO. Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.
Thuốc Favipiravir 200m và Molnupiravir 400mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ. Riêng thuốc Molnupiravir 400mg liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giúp giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tại Việt Nam, thuốc được nghiên cứu thử nghiệm tại cơ sở y tế trước, sau đó thí điểm tại cộng đồng tại TPHCM (được phát trong gói thuốc điều trị tại nhà cho các F0).
Đối với thuốc kháng thể kháng virus
Nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc casirivimab 600 mg + imdevimab 600 mg, bamlanivimab + etesevimab,...).
Đối với thuốc ức chế Interleukin-6
Nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc tocilizumab,...).
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp