Bài báo cho biết trong tất cả các chuyên khoa của BVĐK Sa Đéc thì Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện này là nơi tập trung đông bệnh nhân nhất. Khoa này nằm ở khu C, được bố trí ở 2 tầng là tầng trệt và tầng 1, mỗi tầng có khoảng 10 phòng điều trị cho bệnh nhân.
Dù mỗi tầng có 2 nhà vệ sinh dành cho nam và dành cho nữ nhưng chỉ hoạt động 1 nhà vệ sinh. Vì vậy mỗi ngày cả trăm bệnh nhân cả nam lẫn nữ phải chui chung vào một cái nhà vệ sinh này để sử dụng. Không có gì đáng nói nếu nhà vệ sinh này không chỉ ẩm thấp mà còn bốc mùi xú uế với đầy những thùng chứa rác rưởi cáu bẩn, thức ăn ôi thiu, mốc meo, đầy ruồi nhặng. Nhà vệ sinh không có nước xả, ngập ngụa từ ngoài vào trong khiến bệnh nhân mỗi lần đi vệ sinh phải nín thở đi thật nhanh để bước ra khỏi nhà vệ sinh, nếu không sẽ bị ói.
Công văn của Bộ Y tế gửi Sở Y tế Đồng Tháp liên quan đến BVĐK Sa Đéc
Được biết BVĐK Sa Đéc là một bệnh viện lớn của tỉnh Đồng Tháp với số bệnh nhân khám, chữa bệnh trung bình mỗi ngày hơn 1000 lượt, nhưng hoạt động khám chữa bệnh lại rất thiếu thủ tục điển hình là nhiều bệnh nhân muốn nhập viện thì nhập viện, muốn xuất viện thì tự xuất viện mà nhân viên y tế của bệnh viện này không hề phản ứng gì.
Tất cả bệnh nhân mắc các bệnh từ đái tháo đường, tim mạch, huyết áp đến đau cột sống, gai cột sống, thậm chí gãy tay, gãy chân cũng đưa vào khoa này để điều trị mà chỉ có một nhà vệ sinh thì không thể đủ đáp ứng nhu cầu cho ngần ấy con người.
Khi nhà vệ sinh nam hoạt động thì nhà vệ sinh nữ đóng cửa và ngược lại. Điều lo lắng hơn là những căn phòng điều trị bệnh nhân lại nằm cạnh nhà vệ sinh ô nhiễm như thế có nguy cơ gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân, thậm chí bệnh nhân còn mắc thêm nhiều bệnh khác khi sử dụng nhà vệ sinh để lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm.
Nhiều người bệnh đến mức nôn ói khi đi khỏi nhà vệ sinh
Ngay sau khi thông tin đăng tải trên báo chí, Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa có công văn số 132//KCB-QLCL&CĐT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp về việc xử lý thông tin phản ánh liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc nêu trên. Đồng thời cần trực tiếp đến kiểm tra, giám sát thực trạng chất lượng BVĐK Sa Đéc, chụp ảnh các khu vực có báo chí phản ánh và những khu vực trong viện có chất lượng chưa tốt.
Bên cạnh đó thì trong thời gian này Sở Y tế Đồng Tháp cũng cần tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng khám hay chữa bệnh tại các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh và có biện pháp khắc phục sớm phục vụ bệnh nhân.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cần có trách nhiệm gửi báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hình ảnh sau khi chụp các địa điểm sau khi trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, các biên bản và kết quả đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc năm 2018 của Sở Y tế trước ngày 24/2/2019 để có biện pháp xử lý.
Trong thời gian qua, vấn đề nhà vệ sinh ô nhiễm, nhếch nhác trong bệnh viện đã được Bộ y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt nghiêm túc nhằm cải thiện bộ mặt của bệnh viện, không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh ở đây. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đưa vấn đề nhà vệ sinh trong bệnh viện vào tiêu chí đánh giá chất lượng của bệnh viện. Nhiều lần làm việc với lãnh đạo các bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn nói: “Bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc bệnh viện đó ở bẩn”. Tuy nhiên, lời nói và thực hành vẫn còn là một khoảng cách khá xa khi hiện nay không ít các bệnh viện vẫn để diễn ra thực trạng đáng lo ngại này.
Theo Trường Cao đẳng Dược TPHCM tổng hợp