Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Chiến binh thầm lặng trong phòng xét nghiệm Covid-19

Cập nhật: 25/08/2020 09:16 | Trần Thị Mai

11 kỹ thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) làm việc ngày đêm trong phòng xét nghiệm. Dù bật móng, phồng rộp tay, họ vẫn dốc sức hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến binh thầm lặng trong phòng xét nghiệm Covid-19

Trong 2 tuần (9-22/8), 11 kỹ thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương đã hoàn thành hơn 10.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp rRT-PCR cho TP. Hà Nội. Những chiến sĩ áo trắng này đã làm việc với công suất gấp 150% ngày thường.

Đó là chia sẻ của PSG.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, tại buổi Tôn vinh chiến sĩ áo trắng thầm lặng truy tìm Covid-19 ngày 24/8.

Bật móng, tứa máu vì làm xét nghiệm

Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong 4 đơn vị được Bộ Y tế giao thực hiện xét nghiệm rRT-PCR hỗ trợ Hà Nội rà soát người về từ Đà Nẵng.

TS Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, cho biết công suất làm việc của bệnh viện trước đây là 500 mẫu/ngày. Do đó, khi nhận nhiệm vụ xử lý 10.000 mẫu bệnh phẩm, toàn bộ ê-kíp không về nhà, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Cả máy móc và con người đều làm việc hết công suất.

Những ngày đầu, mẫu gửi đến dưới 1.000. Sau đó, mẫu lên tới 2.000/ngày. Họ trải qua những ngày làm đến 0h triền miên.

“Ngoài thực hiện sàng lọc Covid-19, khoa còn phải đáp ứng xét nghiệm thường quy 300-400 mẫu/ngày và sàng lọc cấp cứu tại các khoa phòng. Đó là những ngày đặc biệt căng thẳng. Chúng tôi chưa từng làm nhiều như thế”, TS Thủy chia sẻ.

Theo TS Thủy, khoa có 3 hệ thống tách máy. 88 mẫu được tách thành công sau mỗi 1,5 giờ. Tuy nhiên, càng về sau, hóa chất thiếu, máy móc chạy không kịp so với số mẫu nhận về.

Dù có sự dự trù ban đầu, với khối lượng mẫu lớn, các bác sĩ phải “giành giật” hóa chất với các đơn vị cung cấp. Nhiều thời điểm, khoa chỉ có thể vận hành 2 máy. Số mẫu còn lại phải dùng kỹ thuật bắt tay.

“Chúng tôi quyết định triển khai một kíp nhân viên thực hiện ‘bắt tay’ tách 50% số mẫu. Công suất trong thời gian 1,5 giờ là 96 mẫu, nhanh hơn máy”, TS Thủy nói.

Đa phần nhân viên trong phòng xét nghiệm là nữ. Nhiều người bị phồng rộp ngón tay, bật móng, tứa máu do phải thao tác trên các ống rất nhỏ hoặc bẻ đầu các ống bệnh phẩm được gửi về.

cac-chien-binh-tham-lang
Nhóm xét nghiệm Bệnh viện Nhi Trung ương dốc sức hoàn thành hơn 10.000 mẫu. Ảnh: BVCC

"Giải tán gia đình" để làm xét nghiệm

Thạc sĩ Khúc Thị Rềnh Hoa, nhân viên của khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, chia sẻ trong 2 tuần vừa qua, chị không về nhà. Vợ chồng chị phải gửi con trai về quê ở Hưng Yên.

“Nhiều người hỏi, tôi nói vui: ‘Giải tán gia đình rồi’. Bởi gia đình mỗi người một nơi", chị kể. Những cuộc gọi của chị với con thậm chí phải tranh thủ lúc 0h.

“Khoa tôi có 2 bạn ở Hải Dương. Họ phải gửi con chưa đầy một tuổi về ông bà chăm giúp. Khi kết thúc công việc, Hải Dương lại đang nằm trong vùng cách ly nên đến giờ, họ cũng chưa được gặp con”, chị Hoa chia sẻ.

Trong cuộc chiến đấu 2 tuần qua, khoa cũng có bà bầu chuẩn bị đến giai đoạn sinh nở nhưng vẫn miệt mài cùng đồng nghiệp làm việc hết công suất. "Mỗi ngày cố gắng một tí" là cách họ động viên nhau. Họ vừa phải đảo đảm an toàn sinh học vừa tiết kiệm hóa chất và chuẩn mã code bệnh nhân để không xảy ra sai sót.

Đến nay, sau 2 tuần, những chiến sĩ áo trắng tại đây đã hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, toàn bộ mẫu đều âm tính.

Theo Phó giám đốc Trần Minh Điển, Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của dịch Covid-19. Giai đoạn này không truy vết được F0 nên khá phức tạp. Bệnh viện Nhi Trung ương tham gia phòng, chống dịch từ ngày đầu tiên. Bệnh viện đã chuẩn bị nhân lực, vật lực, trang thiết bị, các kịch bản sẵn sàng.

Trong đợt kiểm tra Bộ tiêu chí an toàn ứng phó Covid-19 mới đây, cơ sở y tế này đứng đầu với 139/150 điểm, đạt 92,7%.

Cao đẳng Dược TPHCM sưu tầm và tổng hợp