Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Chàng trai 2 lần đỗ đại học Y với ước mơ làm bác sĩ

Cập nhật: 29/01/2019 09:23 | Thu Hương

Ngô Tấn Trung, 19 tuổi đã trở thành sinh viên năm nhất Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Do gia cảnh khó khăn không đủ để trang trải kinh phí cho nên Trung đã phải nhập học muộn mất một năm học.

Chàng trai 2 lần đỗ đại học Y với ước mơ làm bác sĩ

Trung đã vượt lên mọi khó khăn nỗ lực học tập với ước mơ trở thành bác sĩ 

Theo quan điểm của Trung thì khó khăn trong cuộc sống không làm cho em cảm thấy tự ti, yếu đuối mà đó là động lực, điểm tựa, lý do cho em phấn đấu và cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống. Trung có gương mặt thư sinh, nụ cười hiền lành cùng với một đôi mắt sáng lấp lánh. Em quê ở Bình Thuận, gia đình bao gồm 7 người. Dù hoàn cảnh khó khăn những bố mẹ em vẫn cố gắng nuôi nấng các con ăn học thành người. Trung là người luôn có học lực giỏi với ước mơ trở thành bác sĩ.

Trung là người con thứ 3 trong gia đình, từ nhỏ em đã hiểu được đi học là con đường duy nhất giúp gia định thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Cha em làm nghề sửa xe đạp, mẹ làm công nhân. Sau đó, mẹ em lại bị phát hiện các bệnh về tim, u nang còn ba em thì mắc phải các bệnh về khớp và huyết áp.

Trung chia sẻ: “Công việc sửa xe đạp càng ngày càng khó khăn. Còn công ty của mẹ em thì rất xa nhà. Công việc khiến mẹ phải đi từ 3h sáng, 8h tối mới về đến nhà. Nếu lỡ bữa nào xe hư, phải 10h đêm mẹ mới về, chỉ kịp ăn uống, nghỉ ngơi, để 3h sáng lại tiếp tục đi làm. Cả ba mẹ em đều nhiều bệnh, nhưng chẳng ai dám lên tiếng kêu ca gì, chỉ chăm chỉ làm việc để nuôi mấy anh em ăn học”.

Thêm nữa, Trung cũng mắc phải căn bệnh thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng. Đây là một căn bệnh khó xảy ra với những người trẻ. Trung nói đó có thể là do em đi làm thường phải mang vác, lao động nặng khi còn quá bé. Từ khi bị bệnh bên cạnh Trung ngoài sách vở, bút viết còn là chiếc đai thắt lưng cố định cột sống. Sau một vài tháng em sẽ phải đi tái khám và tiêm thuốc 1 lần.

Để miêu tả căn bệnh của mình, Trung nói: “ Việc đi khám tiêm thuốc chỉ giảm cơn đau thôi. Có những ngày lưng đau không thể di chuyển, không thể đứng ngồi, em chỉ biết nằm và uống thuốc giảm đau”.

Trung còn có một người em út bị bệnh nhược thị bẩm sinh khoảng vài năm trước may mắn đã được một nhóm từ thiện tới khám và phát hiện kịp thời. Nếu không được điều trị sớm rất có thể mắt của người em út sẽ bị hư.

Từ tất cả những điều trên đã tạo động lực lớn cho Trung với mong muốn trở thành bác sĩ.  Bằng tất cả quyết tâm của bản thân Trung đã thi đỗ đại học khối B được 26,75 điểm tuy nhiên vào thời điểm đó, gia đình em gặp phải khó khăn về kinh tế, gia đình em cần tiền để chi trả phí sinh hoạt, tiền ăn, tiền học, tiền chữa bệnh của cha mẹ và các em nên nhà em không còn kinh phí để chu cấp cho em lên Sài Gòn nhập học nữa.

Không còn cách nào khác, Trung phải chấp nhận hi sinh ở nhà một năm để giúp cha mẹ trông em và đợi cơ hội đến trường. Trong khoảng thời gian đó, Trung đã rất tủi thân, em mong mỏi được đến trường như những người bạn khác và còn phải học lại vì chương trình học đã cải cách.

Trong khoảng thời gian chờ đợi, em đã được xem nhiều thông tin về những bác sĩ, nhân viên y tế vô tâm. Chính bản thân em khi tới các trung tâm khám bệnh thấy nhiều bệnh nhân và người nhà đang bị bệnh tật dày vò, mệt mỏi về tinh thần, thiếu thốn về vật chất. Họ lặn lội từ những vùng xa xôi đến khám nhưng lại nhận được những thái độ, hành xử không hay, thiếu tôn trọng.

Không những thế, Trung còn được chứng kiến nhiều căn bệnh ác tính, mãn tính chưa có thuốc chữa, thường xuyên hành hạ người bệnh gây đau đớn. Từ đó, Trung đã tự nhủ là khi có cơ hội được theo học ngành y em sẽ phải cố gắng học tập thật tốt, tự học, học từ những những người đi trước, từ đồng nghiệp và phấn đấu để có chuyên môn vững vàng để sau khi ra trường em có thể giúp đỡ được cha mẹ và mọi người.

Trung đã may mắn nhận được học bổng trong suốt 4-5 năm học

Học y là ước mơ, nguyện vọng của em dù biết là đầu vào rất khó, kiến thức nặng, công việc thu nhập không cao, áp lực lớn nhưng em vẫn quyết tâm lựa chọn. Bên cạnh đó, Trung còn đang có dự định lập một nhóm từ thiện, xây dựng phòng khám cho những người bệnh nhân nghèo.

Sau khi quyết tâm thi đỗ trường Y vào năm 2018, Trung tới Sài Gòn theo học và ở tại một lưu xá dành cho sinh viên theo đạo. Đây là nơi cưu mang cho nhiều sinh viên nghèo không chỉ giúp họ có nơi ăn, chốn ở với chi phí phù hộ mà còn giúp họ rèn luyện bản thân kỹ năng sống trong một cộng đồng.

Lưu xá có kỷ luật khá nghiêm và đòi hỏi tất cả sinh viên phải tuân theo lịch sinh hoạt, làm việc tập thể. Chi phí cho một sinh viên sống trong lưu xá là vào khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Sinh viên sẽ phải tự túc trong việc nấu ăn, tổng vệ sinh nhà cửa và giúp việc cho Cha xứ.

Sau một thời gian ở lưu xá, Trung nói: “Một tháng, các phòng trong lưu xá có một buổi họp phòng, ai có gì không hay, không bằng lòng, có thể nói cho cả phòng biết để góp ý, sửa lỗi cho nhau, từ đó hiểu, thông cảm và yêu thương nhau hơn. Cuộc sống ở đây rất yên bình và đơn giản. Em được Cha và các bạn yêu thương, giúp đỡ. Cha cũng nói bây giờ mới là năm Nhất đại học, em phải chăm chỉ học tập, chưa nên đi làm thêm vội, nên em chưa có nguồn thu nhập để trang trải chi phí ăn ở”.

Khi cuộc sống học tập ở Sài Gòn dần ổn định thì Trung lại có thêm một nỗi lo khắc đó là sắp tới em gái trung cũng vào đại học, gia đình lại có thêm một nỗi lo về tài chính. Trung sợ rằng những khao khát, ước mơ, dự định của mình lại bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về tiền bạc: “Em đã phải dừng lại một năm vì không có tiền đi học, em không muốn chuyện này xảy ra lần nữa”.

Nhưng lần này may mắn đã mỉm cười với Trung khi nằm trong danh sách 20 sinh viên xuất sắc được trao học bổng từ chương trình Sharing the dream. Lời cam kết của tập đoàn là sẽ hỗ trợ thế hệ trẻ Việt nam theo đuổi ước mơ học tập.

Theo ông Sompob Witworrasakul - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty thành viên của tập đoàn SCG thì chương trình này sẽ hỗ trợ cho các em nhận được học bổng trong suốt 4-5 năm học đại học. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tạo điều kiện cho các bạn tham gia những khóa rèn luyện kỹ năng mềm thúc đẩy tiềm năng thế hệ trẻ khuyến khích họ góp sức cho tương lai tươi đẹp hơn.

Trong buổi phỏng vấn với đại diện của tập đoàn SCG, Trung đã trả lời rất dõng dạc cho câu hỏi là “ Em sẽ làm gì cho cộng đồng?” là : “ Em có ước mơ trở thành một bác sĩ có tài, có đức, có tâm huyết với nghề và hết lòng với bệnh nhân. Học bổng này là lời động viên lớn nhất mà em từng nhận được. Trước đó, mỗi lần nói tới công việc bác sĩ lại có người hỏi: Tại sao em không thi ngành kinh doanh, kinh tế nhiều tiền hơn. Nhưng bây giờ đã có một người lắng nghe và thấu hiểu với khát vọng của em”.

Số tiền hỗ trợ của SCG đã giúp Trung rất nhiều về mặt tài chính, giúp gia đình em có thể trang trải được phần nào học phí, giúp cha mẹ em không phải lo lắng về tiền học và tập trung cho cô em gái sắp vào đại học của em. Từ khi nhận được phần học bổng này, cuộc sống của Trung đã hoàn toàn thay đổi với sự ủng hộ, quan tâm của các nhân viên tập đoàn.