Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Đắk Lắk: Gần 290 ca mắc, 1 ca tử vong do tay chân miệng

Cập nhật: 06/04/2021 16:47 | Trần Thị Mai

Tính đến đầu tháng 4, toàn tỉnh Đắk Lắk có 289 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 1 ca tử vong.

Đắk Lắk: Gần 290 ca mắc, 1 ca tử vong do tay chân miệng

Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong do bệnh tay chân miệng gây nên, Sở Y tế Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nhắc lại việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm… phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh nhân điều trị nội trú và điều trị ngoại trú. Thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng, củng cố nguồn nhân lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng.

Rà soát, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư sẵn sàng tiếp nhận và điều trị trong trường hợp có ca bệnh tay chân miệng.

Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí đảm bảo nhu cầu tổ chức điều trị. Đồng thời, tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng đang điều trị nội trú tại cơ sở, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị các ca bệnh diễn biến nặng…

Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng bệnh tay chân miệng để người dân nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Đồng thời, yêu cầu phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quản lý nhằm nâng cao năng lực chủ động phát hiện sớm bệnh tay chân miệng trong cộng đồng.

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp