Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Hà Nội: Bệnh viện dã chiến sẵn sàng dập Covid-19

Cập nhật: 13/03/2020 15:08 | Nhâm PT

Trước những diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu 6 bệnh viện mũi nhọn của thành phố có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh cùng với phương án xây dựng bệnh viện dã chiến số 2 để phòng chống Covid-19.

Hà Nội: Bệnh viện dã chiến sẵn sàng dập Covid-19

 

Ca thứ 5 tại Hà Nội

Đến chiều 12/3, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân thứ 39 mắc Covid-19. Bệnh nhân thứ 39 là ca thứ 5 tại Hà Nội. Theo đó, bệnh nhân thứ 39 B.C.P. (25 tuổi), trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, là hướng dẫn nhân viên du lịch.

Ngày 4/3, bệnh nhân dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại Ninh Bình, trong đó có tiếp xúc với BN24 (ca dương tính Covid-19 được xác định tại Quảng Ninh). Ngày 8/3, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 với triệu chứng sốt nhẹ, không ho, không khó thở.

Bệnh viện đã lấy mẫu làm xét nghiệm Covid-19 cho kết quả dương tính. Hiện bệnh nhân sức khỏe ổn định, đang được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Trước tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai các hoạt động như: Tổ chức điều tra người tiếp xúc, xử lý ổ dịch, khử khuẩn môi trường khu vực bệnh nhân cư trú. Cách ly triệt để và theo dõi sát tình hình sức khỏe của tất cả những người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh.

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu 6 bệnh viện mũi nhọn là: Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Đa khoa Hà Đông có phương án chuẩn bị nhân lực, vật lực…sẵn sàng.

Theo đó, các bệnh viện này đã có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh chống dịch. Sáu bệnh viện nói trên sẽ thực hiện xét nghiệm 24/24 giờ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang bị, vật tư, tổ chức diễn tập sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống ca bệnh xảy ra.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc xuất hiện ca dương tính tại Hà Nội nằm trong kịch bản phòng chống dịch của thành phố. Mỗi cán bộ y tế và người dân không chủ quan, bình tĩnh, tiếp nhận thông tin dịch bệnh chính thống, chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân theo khuyến cáo.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị cần tập trung rà soát lại kịch bản phòng chống dịch của đơn vị. Chú trọng sang hướng dự phòng, giám sát tại cộng đồng để chủ động phát hiện ca bệnh. Tuân thủ quy trình cách ly, hạn chế tối đa việc lây nhiễm. Các đơn vị cần đảm bảo sức khỏe, phương tiện phòng hộ cho cán bộ, nhân viên y tế khi tham gia phòng chống dịch.đã thành lập 5 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng 24/24 giờ để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch. Trong trường hợp cần thiết, có thể huy động tất cả đội chống dịch cơ động các quận, huyện tham gia.

Hà Nội đã thành lập 5 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng 24/24 giờ để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch. Trong trường hợp cần thiết, có thể huy động tất cả đội chống dịch cơ động các quận, huyện tham gia.

Xây dựng bệnh viện dã chiến số 2

Cùng với các bệnh viện mũi nhọn, Hà Nội đã lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm Sát hạch lái xe thuộc xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Bệnh viện này có quy mô 600 giường với 20 khoa phòng chức năng. Bệnh viện được xây dựng và triển khai trên cơ sở khi tình hình ở cấp độ 4 (cấp độ khi có trên 1.000 ca bệnh).

Bệnh viện được thi công trong thời gian 10 ngày trên cơ sở các hạng mục đã có nhưng phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị các thiết bị chủ yếu như: Máy thở, máy X-quang di động, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, xe điện chuyên chở bệnh nhân nội viện, xe cứu thương.

Theo thống kê, khả năng tối đa của tất cả các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội khi có dịch xảy ra là 5.000 giường.

Các bệnh nhân sức khỏe đều tiến triển tốt

Sáng 12/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngày 11/3, điểm cầu Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán, điều trị Covid-19 vừa được thiết lập tại Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

Các chuyên gia hàng đầu của nước ta đã tiến hành họp trực tuyến hội chẩn đánh giá bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Đà Nẵng, Trung ương Huế, Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thông qua cuộc hội chẩn đó, có thể đánh giá, Việt Nam đang làm chủ tình hình, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả.

Trong số 23 bệnh nhân mới phát hiện, đang điều trị, có bệnh nhân phải thở oxy, có bệnh nhân biểu hiện viêm phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn kiểm soát được tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Hiện, chưa có bệnh nhân phải hỗ trợ các biện pháp xâm lấn. Phần lớn các bệnh nhân trong tình trạng diễn tiến tốt.

“Covid-19 hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thế nhưng, các thuốc điều trị hỗ trợ, kháng sinh, thuốc nâng đỡ đã được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ cho các bệnh viện theo chương trình chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đang điều trị cho 11 ca Covid-19 (gồm 5 bệnh nhân ở Hà Nội, 6 người nước ngoài được chuyển từ Quảng Ninh và Lào Cai), sức khỏe các bệnh nhân đều được kiểm soát tốt, không có ca nào diễn biến nặng. Riêng với bệnh nhân số 17 N.H.N đã hết sốt được 3 ngày, tình trạng sức khỏe ổn định và tinh thần, tâm lý đã cải thiện nhiều.

Ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Nguồn: GD &TĐ

Theo Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp