Giáo dục học sinh bằng bảo lực
Sự việc đau lòng này xảy ra tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Trong tiết 3 của buổi học chiều 19/11, một bạn trong lớp 6.2 mách với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy là bạn Hoàng Long Nhật chửi mẹ bạn ấy. Không điều tra thực hư thế nào, lập tức, cô Thủy ra lệnh cho lớp, sau giờ học mỗi bạn phải tát Nhật 10 cái. Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị Nhật tát lại gấp đôi.
Mặc dù thương bạn, nhưng lớp trưởng phải đứng ra tổ chức tát bạn theo chỉ đạo, còn cô Thủy bỏ ra ngoài. Khi tát được nửa chừng, thấy cô Thủy xuất hiện ở hành lang quan sát, một bạn hỏi “cô ơi có tát nữa không?”. Cô Thủy ra lệnh “tát lúc nào đủ thì thôi”.
Đau xót nhất, đến lượt con cậu ruột của Nhật, không muốn tát anh họ của mình, nhưng thấy cô giáo chủ nhiệm lởn vởn ở ngoài nên đành phải xuống tay. Bạn này vừa tát, vừa khóc nhưng không thể nhẹ tay vì sợ cô giáo phạt ngược. Khi bạn cuối cùng kết thúc, quá uất ức, Nhật có chửi đổng một câu, ngay lập tức cô Thủy từ ngoài lao vào bồi thêm một tát nữa khiến Nhật phải nhập viện cấp cứu.
Tổng số Nhật bị tát 231 cái khiến em choáng váng đầu óc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 23/11, cháu đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định.
Nói về tình trạng sức khỏe của học sinh Nhật, Lãnh đạo Bệnh viện Dinh Mười cho biết học sinh Nhật nhập viện trong tình trạng vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau. Đặc biệt, tâm lý học sinh này bị ảnh hưởng nên cần động viên, theo dõi.
Hoàng Long Nhật cho biết, hiện em đã đỡ đau đầu, rất muốn đi học lại nhưng sợ cô giáo. Trong lúc đó, nguyện vọng của gia đình chuyển cô Thủy đi trường khác, nếu không cháu sẽ bị ảnh hưởng tâm lí mỗi khi nhìn thấy cô giáo chủ nhiệm.
Đánh học sinh do áp lực thành tích ?
Nhật cho biết, cô Thủy thường xuyên dùng bạo lực với học sinh như đánh vào đầu và véo tai. Đỉnh điểm là ngày 19/11, khi cho cả lớp tát Nhật, trước đó cô Thủy đã cho cả lớp tát 2 bạn khác. Nguyên nhân, trong giờ học nhạc, phần tác giả ghi “Dân ca Thanh Hóa”. Bạn ngồi bên cạnh Nhật có mẹ tên Thanh, nên Nhật đọc to “dân ca thanh” còn “hóa” thì đọc nhỏ lại để trêu bạn và bị kết tội chửi bạn.
Theo thông tin mà Tiền Phong có được, cô Thủy giáo dục học trò bằng bạo lực đã có hệ thống. Ngày còn dạy ở Trường THCS Hải Ninh, cô này thường xuyên đánh học trò và nghĩ ra nhiều cách trừng phạt khác người, đã bị nhà trường kiểm điểm.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hành động của mình, cô Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng: Do nhà trường xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo, trong lúc lớp 6.2 của cô chủ nhiệm thường xuyên bị xếp chót bảng nên rất áp lực.
Trong ngày 19/11, lớp cô Thủy có đến mấy trường hợp phạm lỗi bị “cờ đỏ” phát hiện. Trong lúc nóng giận cô đã không bình tĩnh xử lí, mà nghĩ ra việc làm sai trái. “Tôi rất hối hận về việc làm của mình, mong gia đình em Nhật tha lỗi và tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm” - cô Thủy nói.
Trường THCS xã Duy Ninh nơi xảy ra vụ việc
Hiệu trưởng xin báo chí đừng lên tiếng bởi trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.
Về phía nhà trường, Cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh xã nhận trên báo Người lao động có sự chậm trễ trong xử lý vụ việc cũng như thiếu sự quan tâm đối với em N. và hứa sẽ xử lý nghiêm vụ việc.
Cô Anh khẳng định: "Chiều 19/11, tôi không có mặt ở trường, ngày hôm sau tổ chức ngày lễ nên nghe các giáo viên phản ánh lại. Nhà trường đã mời phụ huynh đến để làm việc nhưng họ bận chăm con ở bệnh viện nên chiều 21/11 mới làm việc được. Nhà trường đã yêu cầu cô Thủy viết tường trình, sắp tới sẽ họp để có hình thức kiểm điểm".
Nữ hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận toàn bộ sự việc và xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
Nguồn tổng hợp