Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 137 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), không có trường hợp tử vong.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được phân bố rải rác tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường, trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển. Đáng chú ý, một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)…
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố từ đầu năm đến nay giảm tới 44,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, hiện đã bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết nên nguy cơ gia tăng trong thời gian tới rất cao.
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc, riêng năm 2019 cả nước đã ghi nhận 320.331 trường hợp mắc, 53 trường hợp tử vong, số mắc cao nhất trong 32 năm trở lại đây.
Tại Hà Nội, hằng năm đều ghi nhận số mắc cao so với các tỉnh, Thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt tại các quận nội thành và các huyện vùng ven đô. Năm 2019 toàn Thành phố ghi nhận 12.256 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong.
Trước thực trạng trên, để chủ động phòng chống SXH trong mùa hè năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh với trọng tâm là triển khai đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, sốt xuất huyết thường mở đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột nhanh chóng đạt tới 39 độ C đến 40 độ C. Cùng với sốt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu (nhất là nhức 2 hốc mắt), đau mỏi các cơ khớp... Sốt liên tục, thường kéo dài 5 - 7 ngày (có một số ít trường hợp có thể sốt tới 8 - 10 ngày).
Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu nặng cần kịp thời đưa đến bệnh viện như: Sốt quá cao, không uống được do nôn và tiêu chảy, chân tay lạnh, vật vã, kích thích, lơ mơ, đái ít, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đau bụng...
Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
Cao đẳng Dược TP.HCM sưu tầm