Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Mẹ con sản phụ 22 tuổi ở Đồng Tháp mắc COVID-19 đã qua cơn nguy kịch

Cập nhật: 24/07/2021 17:56 | Trần Thị Mai

Sau 10 ngày điều trị tích cực, chức năng phổi và thể trạng người mẹ dần hồi phục, bệnh nhân cai được ECMO và máy thở, đã ngưng thở ôxy, bệnh nhân tỉnh. Sức khỏe của bé cũng đã ổn định, bú tốt.

Mẹ con sản phụ 22 tuổi ở Đồng Tháp mắc COVID-19 đã qua cơn nguy kịch

Chiều 24/7, Bác sỹ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ cùng với sự hỗ trợ qua hình thức trực tuyến của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống mẹ con sản phụ mắc COVID-19 nguy kịch nhờ thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).

Trước đó, vào lúc 15 giờ 30 ngày 13/7, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận thai phụ N.T.N.H, 22 tuổi, (tỉnh Đồng Tháp) được tuyến trước chuẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 suy hô hấp tiến triển nhanh, viêm phổi nặng, thai 34 tuần đang thở máy. Tình trạng nguy kịch cả mẹ và con.

Ngay sau khi nhập viện Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy qua hình thức trực tuyến.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai cấp cứu và thực hiện chặt chẽ, tuân thủ đúng những quy định của Bộ Y tế về phòng chống lây nhiễm chéo COVID-19.

Kết quả bé gái cân nặng 2.100 gram, suy hô hấp nặng được các bác sỹ hồi sức và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ để điều trị.

cuu-song-me-con-san-phu-mac-covid

Sau phẫu thuật, bệnh nhân N.T.N.H được chuyển lại đơn vị Hồi sức tích cực điều trị COVID-19, mặc dù được can thiệp kịp thời, nhưng bệnh nhân suy hô hấp tiến triển rất nhanh, đi vào tình trạng suy hô hấp nguy kịch, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch, tổn thương gần như hoàn toàn cả hai bên phổi.

Qua hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu bệnh nhân bằng kỹ thuật ECMO và lọc máu liên tục.

Sau 120 phút phối hợp các biện pháp hồi sức để duy trì sinh mạng người bệnh, các bác sỹ đã thực hiện thành công thiết lập hệ thống ECMO, giúp bệnh nhân tạm thời thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, sáng 23/7, chức năng phổi và thể trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân cai được ECMO và máy thở, đã ngưng thở ôxy, bệnh nhân tỉnh.

Xét nghiệm sinh học phân tử Realtime RT-PCR khẳng định bệnh nhân âm tính virus SARS-CoV-2 hai lần.

Riêng cháu bé, sau khi sinh được đặt nội khí quản và được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ điều trị.

Tình trạng lúc nhập viện trẻ sinh non bị rối loạn đông máu, thiếu máu, viêm phổi nặng, suy hô hấp.

Sau 10 ngày điều trị và được chăm sóc, sức khỏe của bé cũng đã ổn định (đã ngưng thở máy), không cần hỗ trợ hô hấp, bú tốt.

Theo Bác sỹ Phạm Thanh Phong, việc mẹ và con sản phụ vượt qua cơn nguy kịch là niềm vui không thể diễn tả của cả gia đình cũng như cả đội ngũ nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là trường hợp bệnh nặng và khó, bệnh nhân mắc COVID-19 trong khi mang thai và nhập viện với tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp