Ở bất kỳ đất nước nào, nhất là các nước tiên tiến như Mỹ, nhà nước luôn phải tìm cách bảo đảm cho người nghèo được khám chữa bệnh. Tỷ lệ ngân sách chi cho sức khỏe rất lớn, người dân được bảo hiểm chi trả phí dịch vụ bệnh viện. Vì GDP của họ cũng lớn hơn nước ta nhiều nên ngân sách chi cho y tế lớn hơn rất nhiều. Đất nước họ vẫn luôn tìm cách để gia tăng phần ngân sách cho người nghèo để họ không phải quá chật vật với cảnh chữa bệnh không có tiền.
Ở Việt Nam thiếu minh bạch và rạch ròi trong hạch toán kinh tế nên nhiều người vẫn nghĩ đời sống bác sĩ nhiều tiền, thu nhập cao ngất ngưởng…Đã đến lúc chúng ta “Đừng lấy lương tháng đánh giá lương tâm bác sĩ vì họ cũng cần tiền để sống”. Ở nước nào thì bác sĩ cũng cần tiền để sống. Người bác sĩ vừa cần tiền, vừa phải sống đạo đức. Ít ai biết rằng họ, những bác sĩ, dược sĩ, phải bỏ cả những ngày tháng tuổi xuân và tiền bạc của bản thân để có được một văn bằng chứng chỉ.
Đã đến lúc cần để cho các bác sĩ, dược sĩ có những gì họ xứng đáng được nhận thì việc tính đúng và đủ cần phải có. Cần lắm một hệ thống bảo hiểm y tế cần phải được chấn chỉnh để làm sao để người giàu lẫn người nghèo cùng được bảo hiểm chi trả, bác sĩ không bận tâm phong bì và bệnh nhân không phải lo tiền chữa bệnh.
Một bảo hiểm y tế mạnh thì cần phải được đưa vào hàng quốc sách. Ngân sách cả nước phải dành ưu tiên dùng vào bảo hiểm y tế thay vì vào việc xây dựng những công trình lãng phí. Sự bù đắp từ bảo hiểm y tế của người giàu cũng phải chia cho bảo hiểm y tế người nghèo. Đó là sự mong muốn của người dân từ bao đời nay. Một trong những giá trị của thẻ BHYT là sẻ chia, những chủ thẻ BHYT ít khám hoặc không khám là gián tiếp gánh chi phí cho người bệnh đang dùng dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm.
Có một thực tế rằng khi xã hội khuyến khích mua BHYT thì người dân không chịu mua, sợ tốn 1 năm vài triệu, nhưng khi đổ bệnh thì lại muốn được chăm sóc tốt, rồi so bì người có tiền được phục vụ tốt hơn, người có BHYT được chi trả gần hết...Người nghèo đi khám chữa bệnh không có BHYT thì chắc chắn sẽ phải chi trả một khoản tiền rất lớn tùy vào bệnh, như vậy khiến họ đã nghèo lại càng chật vật hơn. Không thể phân biệt giàu nghèo mà bắt người giàu gánh nhiều hơn, làm như vậy vô hình chung đẩy người giàu vô thế không còn muốn sử dụng BHYT nhà nước vì tính dịch vụ không bằng đi khám tư nhân. Và thực tế dù việc người giàu được phục vụ tối ưu thì thực sự số tiền lớn nhất bảo hiểm phải chi trả lại thuộc về những người nghèo.
Ở Việt Nam khi Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì xã hội lại ồn ào phản đối, giá tăng thì chất lượng có tăng không? tăng giá như vậy thì chết người nghèo. Người ta lại được dịp chửi bới bác sĩ vô cảm, không tiền không chữa, lương tâm không bằng lương tháng. Các bác sĩ lại than vãn "lương bèo quá sao sống? rồi một đám khác phản bác lại, rằng đã theo nghề thì phải chịu, còn muốn có tiền thì đi làm nghề khác.
Bác sĩ trong một ca mổ tại bệnh viện
Chưa kể đến nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân giao tiếp với bác sĩ và nhân viên y tế bằng thái độ rất thô lỗ, có người còn hành hung nhân viên y tế và bác sĩ bằng nhiều lý do khác nhau. Một số còn có ác cảm với họ, cho rằng bác sĩ ăn tiền thì khám bệnh, nếu không có tiền thì chết. Phải nhìn nhận khách quan để thấy rằng công việc của họ rất cực, dễ bị lây nhiễm bệnh, trách nhiệm thì quá lớn, lương lại thấp. Nhiều người dân do không hiểu được quy trình, quy định của ngành y, quyền và nghĩa vụ của y bác sĩ nên dễ gây ra khó dễ cho nhân viên y tế. Chúng ta cần bình tĩnh và thông cảm hơn với những người đang gánh trên mình sứ mệnh của người chữa bệnh cứu người.
Phải chăng, do sức khỏe chưa được coi là quý giá nên mới có chuyện Bảo hiểm y tế quyết định cả việc bác sĩ phải khám bệnh ra sao, được làm cái gì, phải cho thuốc như thế nào, vì bảo hiểm chỉ có bấy nhiêu tiền nên chỉ được phục vụ như vậy thôi. Chỉ khi nào chính phủ có một chính sách đúng đắn và khoa học về y tế và biết dành phần ngân sách hợp lý cho người nghèo, thì sẽ không còn phải đối phó với dư luận khi tăng giá dịch vụ y tế như bây giờ.
Các bác sĩ, nhân viên y tế cũng là người học làm nghề để kiếm sống, họ không học nghề để làm từ thiện nên bệnh nhân không nên vì phí tăng cao mà đổ lỗi hay xúc phạm bác sĩ. Trách nhiệm của nhà nước là phải làm sao cho nhân viên y tế được chăm lo tốt về đời sống, có một môi trường làm việc đủ để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Lương ngành y hiện nay đang đứng thứ 17 trong số 18 ngành nghề, được trả theo thời gian công tác với hệ số cứng nhắc, thấp và không liên quan đến hiệu suất công việc, không động viên được những người có chuyên môn giỏi. Những bác sĩ khám 100 bệnh nhân thu nhập cũng chẳng khác gì so với khám cho 10 bệnh nhân. Một số bác sĩ, tính tổng cả tiền lương, tiền trực, tiền phụ cấp mới được khoảng 6 triệu đồng, ngoài ra không còn nguồn nào khác. Muốn có thêm thu nhập, cuộc sống tốt hơn, các bác sĩ chỉ có thể đi làm thêm ngoài giờ. Họ vắt kiệt sức mình, tự bóc lột sức lao động của bản thân để mang lại đời sống về vật chất tốt hơn. Thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì họ phải làm tới 60 giờ, thậm chí là 80 giờ. Cũng vì thế mà nhiều bác sĩ thổ lộ nếu có kiếp sau tôi sẽ không chọn nghề y.
Tình hình bệnh viện Việt Nam hiện tại, rõ ràng có rất nhiều bất cập như, bệnh viện công thì bị đòi hỏi tự cung/tự cấp, nhưng chi phí lại bị Bộ y tế quản lý và bị chỉ trích khi đưa ra các dịch vụ đặc biệt cho một số đối tượng có khả năng chi trả để tăng thêm quỹ hoạt động. Bác sĩ và các nhân viên y tế khác thuộc Bệnh viện công đang không hưởng được mức thu nhập tương xứng, nhưng lượng bệnh nhân đổ về các tuyến Trung Ương lại đang rất quá tải. Trong khi đòi hỏi thái độ phục vụ phải 5 sao, nhưng bệnh nhân/người nhà bệnh nhân cũng rất nhiều người thiếu ý thức.
Các bệnh viện ở tỉnh được xây lên rất to lớn, và đẹp đẽ nhưng lại không có bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Gần như chỉ cho bệnh nhân nằm hồi sức là chính, còn lại toàn chuyển lên tuyến trên. Trong khi các bệnh viện tuyến trên như 115 thì lại cơ sở vật chất thì lại xuống cấp rất nhiều.