Trong những ngày tiếp lửa vùng dịch Bắc Giang, các y, bác sĩ ở Hà Nội, Quảng Ninh đều phải xuyên đêm để lấy hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm, truy vết... tại các khu công nghiệp – nơi đang là điểm nóng của dịch COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1983) là điều dưỡng viên tại Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Trong bối cảnh dịch cấp bách tại Bắc Giang, đặc biệt là tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này, chị Hương đã cùng 199 y, bác sĩ và điều dưỡng khác lên đường tiếp lửa cho Bắc Giang chống dịch.
Để yên tâm đến điểm nóng Bắc Giang, chị Hương và nhiều chị em khác trong đoàn phải gác lại chuyện gia đình, gác lại những bữa cơm nóng, những khoảng không gian quen thuộc để lên đường.
Và điểm đến của chị Hương cùng đoàn chính là Khu công nghiệp Quang Châu, tại huyện Việt Yên, Bắc Giang – nơi mà ca lây nhiễm ở ngưỡng 2 con số mỗi ngày.
Sáng 17/5, chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Hương cho biết, đoàn vừa hoàn thành nhiệm vụ lấy 5.000 mẫu xét nghiệm ở Khu công nghiệp Quang Châu. Vì để có kết quả xét nghiệm nhanh nhất nên công tác lấy mẫu được tiến hành đến gần sáng.
Chị Hương kể, ngày đến Bắc Giang (15/5), khi vừa đặt chân đến khách sạn, đoàn chỉ có thời gian nghỉ ngơi khoảng hơn 1 giờ là lên đường đi lấy mẫu cho công nhân trong Khu công ngiệp Quang Châu. "2 đêm lên đây là 2 đêm ngủ chập chờn vì đêm nào cũng phải đi lấy mẫu đến hơn 2h sáng", chị Hương tâm sự.
Là người phụ nữ chăm lo cho gia đình từ bữa ăn, giấc ngủ nhưng trong hơn 1 năm qua, khi dịch COVID-19 vào Việt Nam và có nhiều đợt dịch diễn biến phức tạp, chị Hương phải gác lại tất cả để chống dịch.
"Con trai lớn nhà tôi thi lên lớp 10 ngày 12/6 tới này. Còn bạn nhỏ thì chuẩn bị vào lớp 1. Ngày chia tay chỉ biết động viên con ôn tốt, thi tốt để mẹ yên tâm và hoàn thành công việc", chị Hương cho hay
Theo chị Hương: "Anh xã làm trong nghề xây dựng, rất bận, có những hôm đi từ sáng đến tối mịt mới có mặt ở nhà; ông bà nội ngoại thì cũng đều hơn 80 tuổi rồi nên bình thường, chuyện gia đình đều một tay tôi lo. Bây giờ, tất cả đều phụ thuộc vào một tay chồng. Trước khi đi, tôi cũng chuẩn bị cơm nước và mua ít đồ dung cho bố con trong những ngày mình đi vắng".
Ở những đợt dịch trước, chị Hương cũng đã có khoảng nửa tháng (chưa kể thời gian cách ly) đến tâm dịch Đông Triều (Quảng Ninh), còn chuyến tiếp lửa đến Bắc Giang lần này, chị Hương xác định chưa biết ngày về.
Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh tại khoa Hồi phục chức năng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cũng tương tự. Ngày lên đường tiếp lửa vùng dịch Bắc Giang, chị Oanh chỉ có thể ôm hôn con gái trong vội vàng.
Bác sĩ trẻ Trần Bá Điều – Khoa Hồi sức cấp cứu thì tranh thủ dùng bữa ngay trên xe để nạp thêm năng lượng trước khi vào điểm nóng Bắc Giang.
Những ngày qua, không chỉ Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình chi viện y, bác sĩ đến Bắc Giang chống dịch, chiều 16/5, "Đội đặc nhiệm" của Thủ đô gồm 20 y, bác sỹ, nhân viên y tế ưu tú của Hà Nội cũng lên đường tiếp lửa vùng dịch Bắc Giang.
TS Lê Hưng – Trường phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: "Mặc dù bộn bề công việc cơ quan, gia đình, cá nhân, thậm chí có những người đang nuôi con nhỏ, nhưng chúng tôi tự hào là những người tiên phong hỗ trợ điểm nóng Bắc Giang. Không những vậy, những cán bộ y, bác sĩ và nhân viên y tế tại các quận huyện Hà Nội cũng sẵn sàng lên đường chi viện Bắc Giang khi Bắc Giang "gọi tên".
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp