Một trong những vấn đề được mọi người đồng tình và hết sức quan tâm trong bài viết của bác sĩ Khánh đó là việc người dân quá dễ dãi trong ăn uống và ăn quá nhiều thức ăn. Theo đúng cách hiểu “vạn bệnh vào từ miệng”, người Việt đang có thói quen ăn quá nhiều, họ chỉ quan niệm "mình thích là được, mình thấy ngon miệng là được". Chính lối suy nghĩ này đã khiến con người phải trả giá bằng sức khỏe, bằng mạng sống.
Chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi lối sống dễ dãi với bản thân mà thay vào đó, hãy hãy tập trung vào bữa sáng thật chu đáo và đủ đầy.
Theo bác sĩ Khánh, đại bộ phận người dân đều ý thức được việc bệnh tật từ miệng vào nhưng thực tế thì mọi người lại rất khó hình thành cho mình một thói quen tốt cho bản thân.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh
10 nguyên tắc sinh hoạt để có sức khỏe tốt, hạn chế ung thư từ khi còn trẻ
Bác sĩ Khánh chia sẻ về 10 nguyên tắc sinh hoạt để có sức khỏe tốt, hạn chế ung thư từ khi còn trẻ.
-
Hạn chế ăn đồ chế biến chứa nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc
Bác sĩ Khánh lấy ví dụ từ các món ăn thức uống rất được ưa chuộng hàng ngày như: Trà đá - nhân trần vỉa hè, tương ớt - hắc xì dầu không rõ nguồn gốc, quẩy - hành phi ở quán, lẩu vỉa hè, rượu cuốc lủi, lạp xưởng, sườn - thịt xiên nướng, chân gà tẩm ướp nướng, rau củ quả nướng cháy, đồ nhậu quán bia, tiết canh, các loại gỏi… Thực trạng ở đất nước chúng ta hiện nay ai cũng biết: Nguyên vật liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất bảo quản phụ gia…chưa được kiểm duyệt đầy đủ. Vậy nên mọi người chỉ nên dùng những gia vị thiên nhiên như ớt tươi, tỏi, chanh, giấm, tiêu nguyên hạt, các loại rau thơm tươi..trong bữa ăn hằng ngày. Những gia vị khác, nếu tự làm hoặc biết rõ nguồn gốc, hãy sử dụng.
-
Ăn uống quá nhiều: gây dư thừa đường và mỡ trong cơ thể.
- Hạn chế ăn đồ chế biến ở nhiệt độ cao như xào, rán, quay, nướng. Nên ăn đồ chế biến ở nhiệt độ thấp như hấp, luộc, kho, nấu.
- Nên ăn sáng nhiều, ăn trưa vừa, ăn tối ít.
- Hạn chế uống nước ngọt đóng chai và nước có ga, đồ hộp. Lâu dài sẽ làm chúng ta loét dạ dày, phệ bụng, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ và cả tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hoá, goute, trẻ em béo phì…
- Nên tập trung vào bữa sáng thật chu đáo và đủ đầy, vì đó là nguồn năng lượng chính cho cả một ngày dài bận rộn, bữa trưa ăn nhẹ, bữa tối thì rất hạn chế, vì khi chúng ta mang một dạ dày đầy thức ăn lên giường ngủ, chỉ làm tồi tệ hơn hệ tiêu hoá cũng như các bệnh toàn thân.
-
Lười vận động quá mức: mỗi chúng ta đang quá lười, thích hưởng thụ mà không chịu rèn giũa bản thân, nhiều người còn tỏ ra thích thú vì…bụng phệ, cổ ngấn nhưng ví dày.
Lười vận động quá mức sẽ khiến cơ thể không đủ điều kiện để trao đổi chất, đào thải mỡ và đường thừa trong cơ thể. Khi bước qua tuổi 40, chúng ta sẽ cảm nhận rõ sức khỏe của mình đang “lao dốc” nhanh đến mức nào. Đến lúc đó, chúng ta sẽ ko kịp “quay đầu” trở lại hoặc tiền bạc bao nhiêu cũng không mua nổi sức khoẻ nữa. Không vận động thể thao là đang tự giết mình.
-
Thường xuyên dùng thuốc là và đồ uống có cồn hàng ngày với lý do tiếp khách.
Tất cả cùng vì ăn nhậu phá sức, nhiều thanh niên mới 30-35 tuổi nhưng hàm răng vàng triết do khói thuốc, mái tóc xơ cứng, da nhăn lưng gù cơ nhão, thần thái sức sống không còn…
-
Không kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để chữa bệnh ngay khi bị bệnh.
“Do không thấy có triệu chứng gì nên tôi chưa muốn đi kiểm tra”. Khi còn những suy nghĩ như vậy thì bệnh tật của chúng ta còn nặng nề và muộn màng lắm. Ví dụ với những khối u đường tiêu hoá, đợi đến lúc ta ăn không ngon miệng, gầy sút cân, đi ngoài phân đen thậm chí là tắc ruột…thì khối u đã phát triển hằng năm, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mỗi năm ta nên chủ động trích một số tiền nhất định đi kiểm tra, bảo dưỡng, chủ động “đi tắt đón đầu” bệnh tật và giải quyết nó khi còn trong “trứng nước”, hiệu quả chữa trị sẽ cao hơn và kinh phí cũng ít hơn.
-
Dùng thuốc chữa bệnh không kiểm soát:
- Lạm dụng kháng sinh.
- Dùng thuốc tây không qua thăm khám.
- Uống đủ thứ thuốc gia truyền không suy nghĩ đến tác dụng , kể cả tác dụng phụ.
-
Dùng quá nhiều đồ nhựa mỗi ngày: tích lũy độc hại cho cơ thể thông qua các hạt vi nhựa.
Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm thì “lạm dụng” nhựa trong cuộc sống cũng đang vô tình làm sức khoẻ của chúng ta giảm sút nghiêm trọng. Túi bóng đựng xôi, đựng nước canh-bún, bát nhựa đựng đồ ăn ở nhà, hộp nhựa bảo quản thực phẩm, ống hút nhựa…Chưa kể đến đồ nhựa chúng ta tiếp xúc hằng ngày qua áo quần, giày dép, bàn chải đánh răng, bàn ghế ngồi…. Bác sĩ đã từng chia sẻ nghiên cứu của giáo sư người Hà Lan về hạt bụi nhựa, khi tiếp xúc-sử dụng đồ nhựa thì những hạt bụi nhựa li ti sẽ vào cơ thể chúng ta và gây ra những rối loạn, tổn thương không thể sửa chữa. Bác sĩ khuyên chúng ta nên sử dụng đồ sứ, thuỷ tinh, túi vải, túi cói, túi mây đan, túi giấy, nắm lá chuối và tuyệt đối không dùng đồ nhựa đựng-bảo quản thực phẩm đồ ăn.
-
Sống trong môi trường nhân tạo bê tông, điều hòa: bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Hãy cùng gia đình, con trẻ ra ngoại ô, chạy nhảy vui đùa cùng đất cát, cỏ cây... Những hoạt động đó giúp ích rất nhiều cho con trẻ và cả chính chúng ta trong việc làm sạch phổi, cần bằng cuộc sống, tránh tự kỷ stress.
-
Bị stress trong cuộc sống: cơ thể bị rối loạn và suy giảm hệ miễn dịch.
Mọi người bây giờ rất dễ nổi cáu, buông lời cay đắng với người khác khi có việc không hài lòng hoặc nụ cười tự nhiên thân thiện cũng ít xuất hiện hơn. Sự giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chìa bàn tay ra nâng đỡ nhau, tin tưởng nhau cũng khó khăn hơn. Kết quả sẽ ngược lại khi ta chọn lối sống nhẹ nhàng, thanh thản và sẵn sàng buông bỏ khi cần thiết
-
Không tìm hiểu kiến thức đúng về y học, chỉ tin tưởng vào kiến thức trôi nổi trên mạng internet.
Chúng ta có thể dành rất nhiều thời gian để lướt web mua sắm, chém gió facebook, buôn chuyện bạn bè nhưng lại dành rất ít thời gian cho việc tìm hiểu về ăn uống, về dinh dưỡng, về thể dục thể thao, về chăm sóc sức khoẻ… Thực sự mọi người đang phó thác vào hệ thống y tế, vào những người thầy thuốc, nhiều người mặc định cơ thể mình được “Ăn chơi” và “Khai thác” không giới hạn, họ cũng nghĩ rằng nó sẽ ổn mãi, thậm chí bác sĩ đã gặp những người chấp nhận “đánh đổi” sức khoẻ của mình để nhận về những khoản tài chính lớn, những cơ hội làm ăn, những địa vị mới. Họ cũng có ý nghĩ rằng, nếu chẳng máy có chút vấn đề, đó là nhiệm vụ của người thầy thuốc, mình có tiền nên chắc sẽ chữa được hết. Thực sự đó là nếp nghĩ vô cùng không ổn. Người thầy thuốc chỉ có thể tư vấn, hỗ trợ và điều trị trong những trường hợp cơ thể chúng ta không đủ khả năng tự sữa chữa. Tuy nhiên khả năng của Y học và của người thầy thuốc cũng chỉ có giới hạn nào đó, không thể nào chữa được bách bệnh
Điều Bác sĩ gửi gắm cuối cùng là xin đừng dễ dãi trong lối sống, lười nhác trong vận động, sai lầm trong ăn uống và cũng xin đừng đổ lỗi cho số phận, cho…gene (vì gene chỉ chiếm ~ 1% căn nguyên của bệnh tật). Cơ bản, đời chúng ta do chính chúng ta định đoạt.
Hãy giữ 1 tinh thần lạc quan, siêng năng tập 1 môn thể thao mà mình yêu thích, ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ..... đấy là tất cả mọi thứ chúng ta có thể làm để phần nào xóa lùi bệnh tật.