Điều đáng nói, thủ đoạn này đã diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không hiểu sao vẫn tái diễn trong khi bệnh viện, công an nói thường xuyên phối hợp phòng chống trộm cắp tại bệnh viện.
Thủ đoạn của bọn chúng là đổ nước mắm, đổ cháo lên người nuôi bệnh ở BV rồi giả vờ làm người tốt “khuyên” nạn nhân đi tắm. Sau đó từ phòng vệ sinh bên cạnh, các đối tượng thò, thậm chí dỡ trần la phông chui qua móc đồ lấy tiền. Đây là chiêu trò tuy cũ nhưng hiệu quả được một số đối tượng sử dụng trở lại ở trong các BV. Trong một tuần xảy ra 2 vụ liên tiếp, với số tiền bị đánh cắp hàng chục triệu đồng. Nạn nhân đa số là người ở quê nghèo, túng thiếu và mất cảnh giác.
Mẹ con cụ Nguyễn Thị Khinh (80 tuổi, ngụ Đồng Nai) sau khi bị mất cắp sạch tiền
Lúc đó cụ Khinh đang chăm con bị gãy chân ở hành lang BV Chấn thương chỉnh hình, một nam thanh niên tiến lại bắt chuyện. Cụ Khinh nói lúc đó, chẳng biết vô tình hay cố ý, người này làm đổ cháo lên đầu và dính vào áo quần cụ, sau đó nói cụ đi tắm. Lúc vào nhà tắm, cụ treo chiếc áo lên tường, vừa cúi xuống xối nước thì ai đó đã nhanh tay lấy chiếc áo trong túi có 23 triệu đồng. “Lúc phát hiện tui sợ run người. Đầu óc như muốn điên vì con tui gãy chân, trong người lại không còn một đồng bạc cắc thì biết phải làm sao?”, cụ Khinh nhớ lại.
“Tui sợ trộm cắp nên bọc tiền thật kỹ vào chiếc áo trong và ghim lại kỹ càng, nào ngờ người ta vào tận nhà tắm lấy...”, cụ Khinh rưng rưng.
Nói về gia cảnh, cụ Khinh cho biết hằng ngày dưới quê bán bánh da lợn, bánh tiêu, bánh ú... ngày nào trúng mánh kiếm chừng 70.000 - 80.000 đồng, ngày ế chỉ vài ba chục ngàn đồng sống qua ngày. Hôm con cụ bị tai nạn, bà con hàng xóm góp cho được 3 triệu đồng. Cụ nhờ đứa con rể đi vay nóng của người khác 20 triệu đồng nữa. “Giờ tui hoang mang lắm, tiền của mình mất đã đành, tiền đi vay nóng mất sạch mới đau đớn...”, cụ Khinh mếu máo.
Viện phí cho con trai đã "ngốn" hết 50 triệu đồng. Bà Khinh phải vay mượn thêm tiền để chăm sóc con thì bị trộm
Bà kể: “Trước đó, khi cháu tôi ghé cho tiền, có lẽ nó đã thấy rồi. Ngồi nói chuyện huyên thuyên một hồi, nó chỉ tay vào lưng áo tôi nói sao dính cháo tùm lum. Tôi cũng không biết ai vung vẩy hồi nào mà trúng đầy vào người tôi. Nó nhiệt tình giúp tôi lấy áo mới, hối thúc tôi vào toilet thay kẻo dơ. Nó còn cầm chén đũa tôi và con trai mới ăn xong đi theo vào toilet để vào rửa giùm. Tôi nói để đó chút tôi rửa nhưng nó vẫn nằng nặc đi theo”.
Khi vào trong nhà vệ sinh, bà Khinh cẩn thận chuyển cọc tiền từ túi áo cũ sang túi áo mới, gài kim tây lại rồi máng vào móc trên vách. Sau khi cởi áo dơ máng lên và xối nước, bà nhìn lên thì hốt hoảng thấy chiếc áo mới có tiền đã “không cánh mà bay”.
Tương tự, khoảng 15 giờ ngày 31.10, bà Trần Thị Ngọc Thanh (69 tuổi, ngụ Tiền Giang) đang nuôi con gái tại Khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM, ra trước cổng BV này mua thuốc uống vì bị cảm. Khi đứng ngay chân cầu vượt đi bộ, bỗng nhiên bà có cảm giác nước chảy trên đầu. Liền sau đó, một nam thanh niên mang khẩu trang, mặc áo ca rô nói vọng lại là bà bị dính nước mắm đầy người, bà đi tắm đi. Bà tin lời liền đi vào nhà vệ sinh, nam thanh niên đi theo sau lưng. Lúc vào nhà vệ sinh nam thanh niên này tỏ ra là người tốt, nói: “Bà gội đầu đi con cho bà bịch xà bông gội đầu”. Bà Thanh vào nhà tắm, gội và áo, quần thì treo trên móc tường.
Theo quan sát, nhà vệ sinh chung tại các BV hiện nay là một khu chung, không tách biệt nam, nữ. Mỗi phòng vệ sinh nhỏ cách nhau một bức tường. Tuy nhiên, phía trên thì vách tường không xây bít đến trần mà chừa một khoảng hở rất lớn có thể chui, thò đầu, tay từ phòng này qua phòng kia. Đây chính là điểm yếu để kẻ gian dùng thủ đoạn lấy cắp tiền của bệnh nhân, thân nhân.
Theo Thanh Niên
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp