Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và chia sẻ đến các em đề thi thử Văn THPT Quốc Gia 2020 của trường Đồng Tâm - Yên Bái. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.
Đề thi thử
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“…Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời.
… Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.”
( Trích “Em không tự cứu mình thì ai cứu em” của Rosie Nguyễn – Cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Nxb Hội nhà văn, 2017, trang 120-121)
Câu 1. Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong câu : “Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời.” (0,5 đ)
Câu 2. Theo quan điểm tác giả, sống trong thế chủ động là sống như thế nào? Nó có lợi ích gì? ( 0,5 điểm)
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi (1 điểm)
Câu 4. Anh /chị có đồng tình với quan điểm “em không cứu mình thì ai cứu được em” không ? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của cách “Sống ở thế chủ động” đối với tuổi trẻ hôm nay.
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài (Ngữ Văn 12, tập 2, NXBGD Việt Nam) có hai sự kiện đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, số phận của nhân vật Mỵ: Sự kiện Mỵ bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà Thống lý Pá Tra và sự kiện Mỵ cắt dây trói cứu A Phủ.
Anh/ chị hãy phân tích hai sự kiện đó. Nhận xét vai trò, ý nghĩa của hai sự kiện đó trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm
-------------- Hết -------------
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Phép tu từ được sử dụng trong câu: So sánh(sống thụ động cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn…) và ẩn dụ ( Con bè trên dòng nước lớn ,sóng gió, giông bão).
Câu 2:
- Sống trong thế chủ động là: chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh.
- Ích lợi của sống chủ động: Nguyên tắc để đạt sự thành công, là điều kiện để thực hiện ước mơ.
Câu 3: Câu "Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi" được hiểu
- Không dám tích cực chủ động, trãi nghiệm, không dám hành động dấn thân vào thực tế thì không thể có thành tựu.
- Khuyên ta nên sống chủ động, tích cực trong học tập, lao động và rèn luyện.
Câu 4: Thí sinh được đưa ra quan điểm cá nhân đồng tình hoặc không đồng tình, từ đó đưa ra những lập luận bảo vệ ý kiến.
Ví dụ:
- Đồng ý. Vì chính bản thân ta mới quyết định được cách suy nghĩ, cách làm của mình. Chính mình mới tạo nên số phận của mình, thành tựu của mình.
- Không đồng ý. Vì cuộc đời mình không chỉ do mình quyết định mà còn phụ thuộc nhiều yêu tố khác như điều kiện, hoàn cảnh sống, sự may mắn…
- Vừa đồng ý vừ không đồng ý. Vì trong cuộc sống thành công một phần do sự nỗ lực của bản thân, một phần còn do sự “trợ giúp” của các yếu tố khác.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Dàn ý tham khảo
I. Mở bài
- Xác định vấn đề cần nghị luận: Sống ở thế chủ động có ý nghĩa với tuổi trẻ hôm nay.
II. Thân bài
- Giải thích:
- Chủ động là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.
- Sống ở thế chủ động là hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…
- Bàn luận:
- Cuộc sống luôn đặt tuổi trẻ vào những tình huống, thử thách phải chủ động tìm cách giải quyết;
- Sống chủ động khiến con người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt ứng xử trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;
- Tuổi trẻ chủ động sẽ không ngừng tạo được cơ hội mới khẳng định bản thân, đạt được thành công;
- Xã hội có nhiều cá nhân sống chủ động sẽ tạo ra một bầu không khí dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống. (D/c minh họa)
- Cần phê phán những bạn trẻ sống dựa dẫm, thiếu tự tin, thụ động: Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.
III. Kết bài
- Bài học: Tuổi trẻ cần tự tin, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo tìm kiếm những cơ hội và xây dựng kế hoạch để chinh phục ước mơ.
Câu 2: Hướng dẫn làm bài
a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và vấn đề cần nghị luận.
b. Thân bài: Phân tích hai sự kiện và nêu ý nghĩa hai sự kiện
- Sự kiện Mỵ bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà Pá Tra
+/ Nguyên nhân: bị ép buộc vì món nợ của cha mẹ và vì bị A Sử lừa theo tập tục bắt vợ của người vùng cao.
- Ban đầu Mỵ phản kháng, trốn về có ý định tự vẫn nhưng vì thương cha Mỵ đành trở lại nhà Pá Tra.
- Chịu sự đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần dẫn đến mất hết ý thức về cuộc sống, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
+/ Ý nghĩa: Phơi bày thực trạng của xã hội thực dân, phong kiến miền núi. Thể hiện sự cảm thông của tác giả trước số phận đau khổ của người dân miền núi dưới chế độ thực dân, phong kiến.
- Sự kiện cắt dây trói giải thoát A Phủ:
+/ Hoàn cảnh: A Phủ vô ý để mất một con bò, bị Pa Tra trói đứng giữa trời đông giá rét.
- Ban đầu Mỵ vô cảm trước cảnh A Phủ bị trói.
- Khi thấy dòng nước mắt của A Phủ Mỵ động lòng. Mỵ nghĩ đến bản thân mình, thương mình và thương người đồng cảnh ngộ; Mỵ nghĩ đến sự độc ác của cha con thống lý và ý thức sống trở về, nhận ra dấu hiệu về cái chết Mỵ càng thấy thương A Phủ hơn. Để cuối cùng tất cả trở thành hành đông quyết liệt: cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ.
+/ Ý nghĩa: Đồng cảm xót thương trước số phận đau khổ và phát hiện, trân bản chất tốt đẹp của người dân lao động miền núi.
- Nhận xét hai sự kiện trong thể hiện nội dung, tư tưởng:
- Lột tả chân thực nhân vật và vẻ nên bức chân dung người người lao động vùng cao.
- Thể hiện cách nhìn về con người và xã hội của nhà văn.
- Thể hiện biệt tài của nhà văn trong việc nắm bắt các vấn đề cốt yếu từ đó bộc lộ tính cách, số phận nhân vật.
c. Kết bài:
Hai sự kiện phản ánh chân thực số phận của người dân lao động miền núi. Đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà văn cũng như tài năng nghệ thuật của ông
-------------