Sau khi kết thúc giờ thi môn Ngữ Văn đã có rất nhiều ý kiến nhận xét khác nhau từ các thí sinh và giáo viên giàu kinh nghiệm chuyên môn, cụ thể như:
“Đề dễ, cũng không cần viết dài lắm. Em làm xong bài còn 20 phút mới hết giờ, viết hết hơn một tờ giấy thi” - Nguyễn Bích Ngọc (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) cười rất tươi khi nhận xét về đề thi văn sáng 2-6.
Đối với thí sinh chọn thi khối D như Bích Ngọc, đề văn thật sự “dễ chịu”. Nhưng ngay cả những thí sinh dự thi các khối khác mà môn văn không phải là sở trường cũng kết thúc buổi thi môn văn trong tâm trạng thoải mái. Nhiều thí sinh dự định dự thi khối A cũng đánh giá “đề văn bình thường, đúng trong chương trình và nằm trong trọng tâm ôn tập của chúng em”.
Nhiều thí sinh dự thi ở các địa phương khác cũng phấn khởi với đề thi văn, tuy có bất ngờ với yêu cầu của câu 1 vì “không giống với các dạng đề thi ôn tập”. Chỉ riêng câu 2 yêu cầu viết bài văn ngắn theo hướng mở khiến thí sinh hơi e dè.
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định câu 1 rất hay, không khó, không đánh đố thí sinh nhưng bất ngờ vì đề hỏi một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng cuối tác phẩm. Chi tiết này nếu giáo viên không chú ý giảng kỹ hoặc học sinh không hiểu kỹ tác phẩm sẽ khó đáp ứng yêu cầu. Câu hỏi giáo khoa xưa nay vẫn được quan niệm là câu gỡ điểm nhưng với đề này, đây là câu hỏi phân loại trình độ thí sinh. Câu nghị luận xã hội là một đề mở. Đề ra một vấn đề gần gũi với lứa tuổi, hợp suy nghĩ và mối quan tâm của học sinh. Đề mở cho thí sinh sự tự do bộc lộ suy nghĩ của mình. Bài làm của thí sinh có thể theo nhiều hướng khác nhau. Hi vọng đáp án cũng sẽ “mở” như đề.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Ngọc Hiền, khoa sư phạm khoa học xã hội Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng điểm mới của đề nằm ở câu 1 và câu 2. Trong đó mới nhất là câu 1, câu hỏi độc đáo nhưng hơi khó trả lời. Nếu giáo viên dạy lướt, học sinh không hiểu kỹ ý nghĩa chi tiết này sẽ khó làm trọn vẹn. Câu nghị luận xã hội (câu 2) là một câu hỏi mở với nhiều phương án trả lời. Đề không yêu cầu nói về một thực trạng xã hội hay một vấn đề đạo lý như thường thấy. Đề này yêu cầu trình bày cảm nghĩ, quan điểm bản thân. Đề dễ viết nhưng khó có dàn ý rõ ràng.
Đối với câu hỏi nâng cao trong phần đề tự chọn, theo ý kiến thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi là quá đơn giản, chỉ yêu cầu phân tích nhân vật. Giá như đề yêu cầu phân tích để làm rõ một nội dung (như tính nhân đạo, chủ đề của truyện chẳng hạn) sẽ hay hơn vì yêu cầu thí sinh phải tư duy và sẽ đúng là đề nâng cao.
Theo cô Lê Thị Cẩm Hương - giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM), thí sinh sẽ hơi đuối với câu 1. Đây là câu hỏi không khó nhưng thí sinh vẫn theo thói quen ôn phần văn học nước ngoài, nay đề ra văn học trong nước lại rơi vào một chi tiết thí sinh có thể quên hoặc không chú ý nên khó đáp ứng. Câu nghị luận xã hội cũng hơi khó với thí sinh tốp dưới vì đề này khó lập dàn ý, khó có dẫn chứng.
Nhà văn Lưu Thị Lương - giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM) và một số giáo viên lớp 12 khác ở TP cho rằng: “Câu 1 là câu thí sinh dễ mất điểm nhất, bởi tác phẩm này trên lớp học sinh được học theo kiểu làm bài luận. Câu 2 cũng không dễ đạt 3 điểm trọn vẹn nếu thí sinh không phải học sinh giỏi. Câu này tuy chỉ viết một đoạn văn ngắn nhưng phải có bố cục chặt chẽ, khúc chiết.
Tóm lại, đề có hai câu hay, mới lạ, chiếm 50% số điểm”. Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy văn lớp 12 thanh thản và nhẹ nhõm với đề thi này bởi câu 3 (5 điểm) quen thuộc, vừa sức với nhóm học sinh trung bình. Đề thi này phân loại được học sinh nhờ câu 1 và 2. Riêng câu 3 là câu học sinh đã quá quen thuộc vì được rèn luyện nhiều lần trên lớp. Với đề thi năm nay, học sinh trung bình sẽ được 5, 6 điểm và học sinh khá sẽ được 7, 8 điểm.
Trường Cao đẳng Y Dược HCM xin mời bạn đọc tham khảo đáp án chính thức môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 dưới đây.
Nhiều giáo viên ở ĐBSCL cho rằng đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 Bộ GD-ĐT ra hướng “mở”, nhưng khi Bộ ra đáp án thì “không mở”.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản về việc hướng dẫn bổ sung chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Tuy nhiên, công văn này ra sau khi các hội đồng chấm thi đã bước vào chấm bài thi. Vậy những bài đã chấm rồi, sẽ được xử lý như thế nào? Và theo hướng dẫn bổ sung này, thí sinh được lợi hay bị thiệt?
Trước đó, bộ đã hướng dẫn, đối với câu 1 trong đề ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, cho 1,0 điểm đối với ý thứ nhất - Những hình ảnh thường hiện lên là: màu hồng hồng của ánh sương mai (0,5 điểm); người đàn bà vùng biển (người đàn bà hàng chài) bước ra từ tấm ảnh (0,5 điểm); cho 1,0 điểm đối với ý thứ hai - Những hình ảnh đó nói lên: chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 điểm); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm). Cũng trong câu 1, theo tinh thần đề mở và đáp án mở, để đảm bảo đúng nguyên tắc chấm thi, đồng thời khuyến khích những sáng tạo của thí sinh trong khi làm bài thi; trên cơ sở đề nghị bổ sung của Tổ ra đề thi môn ngữ văn của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011, bộ đề nghị các đơn vị chỉ đạo chủ tịch các hội đồng chấm thi yêu cầu Tổ chấm thi môn ngữ văn vận dụng hướng dẫn chấm thi để cho điểm đối với ý thứ hai câu 1 như sau: Nếu thí sinh không trả lời trực tiếp, cụ thể như trong đáp án mà nêu được ý tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với hiện thực, nghệ thuật với cuộc sống: có thể cho từ 0,5 điểm trở lên, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm; nếu thí sinh phân tích kĩ và sâu sắc ý đã nêu: có thể cho tới tối đa 1,0 điểm, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, điều chỉnh này dựa trên đề nghị bổ sung của Tổ ra đề thi môn ngữ văn của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Việc điều chỉnh nhằm phù hợp với tinh thần đề mở và đáp án mở, đảm bảo đúng nguyên tắc chấm thi, đồng thời khuyến khích những sáng tạo của thí sinh trong khi làm bài thi.
Ông Phạm Hữu Hoan, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, khi nhận được công văn khẩn của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn bổ sung chấm thi môn ngữ văn, lãnh đạo các hội đồng chấm thi đã phổ biến nội dung này tới các tổ trưởng và từng giáo viên chấm thi theo đúng tinh thần hướng dẫn của bộ. Việc chấm thi hiện mới đang ở vòng 1. Với những bài đã chấm, lãnh đạo sở đã yêu cầu các hội đồng chấm thi rà soát lại, nếu phát hiện trường hợp chấm chưa phù hợp với hướng dẫn của bộ thì sẽ điều chỉnh điểm ngay để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 11-6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ GD-ĐT về việc bổ sung hướng dẫn chấm thi bổ sung môn văn tốt nghiệp THPT, sở đã triển khai ngay kế hoạch chấm thi đến các tổ chấm, giám khảo môn văn tại Hội đồng chấm thi TP.HCM. Những bài thi đã được chấm trước khi có công văn này đều được chấm lại và làm đúng theo hướng dẫn bổ sung của bộ”.
Theo cô Vũ Thị Bình, giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, với cách điều chỉnh này, bộ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và cho cả người chấm, đồng thời vẫn giữ được đúng nội dung đáp án. “Phương án chấm ban đầu hơi cứng nhắc, chặt chẽ về mặt ngôn từ trong khi để chuyển tải cùng một nội dung đó, học sinh có rất nhiều cách sử dụng từ ngữ linh hoạt. Vì thế, sự thay đổi này là phù hợp với một đề văn mang tính mở, tính sáng tạo trong cách cảm nhận cá nhân của học sinh mà không hề bị sai về ý so với đáp án”, cô Bình nói.
Một giáo viên đang tham gia chấm thi ở Hội đồng chấm thi môn văn của Hà Nội cho biết hội đồng chấm bài của năm tỉnh khác. Có “gói” bài làm tốt, có “gói” thì làm cũng bình thường nhưng nói chung là các em làm được. Nếu theo đáp án cũ thì khó có em nào đạt được điểm theo từng chi tiết. Nếu theo hướng dẫn bổ sung thì các trò sẽ đỡ mất điểm. Đây là điều có lợi cho thí sinh mà cũng rất hợp lý với bài dạy của các thầy cô giáo.