Ban tư vấn tuyển sinh của Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm đề thi thử môn Ngữ Văn để giúp các em ôn luyện tốt hơn kiến thức để chuẩn bị kỹ trong kỳ thi quan trọng sắp tới.
ĐỀ THI THỬ
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển, trong vài giờ, đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước.
(Phong cách sống của người đời - nhà báo Trường Giang)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, vì sao lãng phí thời gian là mất tuyệt đối? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/ Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay?(1,0 điểm)
Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với quan niệm: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước? Vì sao?(1,0 điểm)
II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
“… Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
(Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 156)
Cảm nhận của Anh/ Chị về hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy ( Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 43) để thấy sự gặp gỡ và khác biệt trong khát vọng hi sinh dâng hiến của con người.
-----------HẾT------------
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả, lãng phí thời gian là mất tuyệt đối vì:
- Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe.
- Thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại, mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được.
Câu 3: Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay vì: Trong thời đại trí tuệ này, nền kinh tế tri thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Nhịp sống rất hối hả, khẩn trương, các nước đang phát triển với tốc độ như vũ bão…
Câu 4: Trình bày quan điểm riêng đồng tình hoặc không đồng tình và đưa ra những lý lẽ thuyết phục để chứng minh cho quan điểm của mình.
Ví dụ: Có thể theo hướng đồng tình với quan niệm: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước.
Vì:
- Thời gian vô cùng quan trọng, là quà tặng kì diệu của tạo hóa, không lặp lại.
- Thời gian là sẽ giúp ta làm lên những giá trị đích thực. Lãng phí thời gian sẽ dần rơi vào sự lạc lõng, chán nản – trở thành đời thừa…
- Đời người chỉ sống có một lần và duy nhất. Và cuộc sống là một cuộc “ chạy” tiếp sức của các thế lực.
II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
Dàn ý tham khảo
a. Mở bài
Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng, vị trí và cảm hứng trữ tình nổi bật của hai khổ thơ và vấn đề cần nghị luận.
b. Thân bài: Cảm nhận về hai khổ thơ
- Về nội dung:
+/ Khổ 1: Nhận thức về sự hữu hạn của đời người
- Tương phản về thời gian: cuộc đời ( hữu hạn) - năm tháng ( vô hạn)
- Tương phản về không gian: Biển ( đã rộng, vô hạn); Mây vẫn bay qua biển ( về xa) -> cũng là hữu hạn chỉ có không gian vũ trụ mới là vô hạn.
=> Lo âu, trăn trở về sự hữu hạn của đời người, sự mong manh, nhỏ bé của cuộc đời, của kiếp người, của hạnh phúc.
+/ Khổ 2: Thể hiện được khát khao, mong muốn mãnh liệt, chân thành, thiết tha vô cùng của mình trong tình yêu: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng…-> Khao khát được hi sinh, được dâng hiến. “ Tan ra” không phải để biến mất trong hư vô mà là để hòa nhập với vĩnh hằng, tồn tại với vĩnh hằng, được yêu hết mình, được sống hết mình, hi sinh tận độ, tận hiến cho tình yêu.
-> Tình yêu lớn đến mức có thể tan hòa vào không gian mênh mông của biển lớn, cùng với biển lớn, cùng với không gian ấy, người phụ nữ trong Xuân Quỳnh đã vĩnh viễn hóa, muốn hoá thân thành tình yêu muôn thuở.
=> Hai khổ thơ bộc lộ một cái tôi trữ tình, cái tôi của người phụ nữ luôn khát khao tình yêu, khát khao được hi sinh, dâng hiến, vĩnh viễn hóa, bất tử hóa. Đó là một tình yêu vừa lớn lao, cao thượng nhưng cũng rất khát khao trong hạnh phúc đời thường, rất vị tha, nhân hậu.
- Về nghệ thuật:
- Thể thơ 5 chữ vừa gọn ghẽ, vừa miên man...
- Cách nói: nhượng bộ – tăng tiến (tuy, dẫu – vẫn) -> Làm tăng tính chất suy tư (nỗi suy tư, day dứt lớn).
- Biện pháp tu từ Ẩn dụ, Hoán dụ: Ngàn năm...
Có thể bạn quan tâm: Bình giảng hai khổ thơ cuối bài Sóng của Xuân Quỳnh
* Liên hệ với bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu để thấy sự gặp gỡ và khác biệt trong khát vọng hi sinh dâng hiến của con người.
- Giới thiệu bài thơ Từ ấy.
- Bài thơ gồm 3 khổ diễn tả mạch cảm xúc trào dâng mãnh liệt cùng những đổi thay tích cực của con người trong nhận thức, lẽ sống từ khi bắt gặp lí tưởng của Đảng…
- Từ sự thay đổi nhận thức dẫn đến hành động đúng đắn: Cái tôi của người chiến sĩ cộng sản tự nguyện hòa nhập, gắn kết bản thân với cộng đồng -> Con người có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, có được vị trí mới trong gia đình các dân tộc Việt Nam. Các đại từ quan hệ: Con, em, anh diễn tả mối quan hệ ruột thịt tình thâm, vì nó con người sẵn sàng hi sinh cả tính mạng: “ Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ”. => Như vậy, Từ ấy diễn tả hành trình nhận thức, hòa nhập, dâng hiến của cái tôi cá nhân trong cuộc đời chung rộng lớn để làm nên sự bất tử trường tồn.
- Điểm gặp gỡ và khác biệt:
+ Điểm gặp gỡ:
- Hai khổ thơ cuối của bài thơ Sóng có sự gặp gỡ và khác biệt với bài thơ Từ ấy. Trước hết, cả hai bài thơ cùng tập trung thể hiện khát vọng hi sinh, dâng hiến, hòa nhập cái tôi cá nhân nhỏ bé của mình vào cái chung rộng lớn để làm nên sự trường tồn. Sau nữa khát vọng ấy là hoàn toàn tự nguyện…
+ Điểm khác biệt:
Cùng viết về ước vọng hi sinh nhưng bản chất không có sự đồng nhất; sự khác biệt trong cội nguồn thôi thúc hi sinh; sự khác biệt trong nghệ thuật:
- Ở hai khổ cuối bài thơ Sóng diễn tả khao khát hi sinh và dâng hiến của người con gái để bất tử hóa tình yêu trước cuộc đời: “Để ngàn năm còn vỗ”. Vì người con gái trong bài thơ Sóng nhận thấy sự vô thủy vô chung của thời gian, sự vô cùng vô tận của không gian và sự hữu hạn của đời người… Bài thơ Sóng sử dụng thể ngũ ngôn, với những câu thơ ngắn, ngắt nhịp không theo dòng, ý thơ tràn lời, ngôn ngữ dung dị, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày.
- Ở bài thơ Từ ấy là sự hi sinh của cái tôi người trí thức tiểu tư sản muốn cống hiến cuộc đời riêng cho lí tưởng Cách mạng… Lí tưởng cộng sản đã soi đường, chỉ lối làm bừng sáng trong tâm hồn con người những nhận thức lớn, lẽ sống lớn, niềm vui lớn, để từ đó thôi thúc hành động. Bài thơ Từ ấy sử dụng thể thất ngôn trường thiên mang âm hưởng trang trọng của Đường thi, mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình và rất đậm chất Huế.
c. Kết bài
- Đánh giá chung:
- Sở dĩ có sự gặp gỡ, bởi cả hai nhà thơ đều còn rất trẻ, đều được giác ngộ một thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, bởi đây là hai tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Thời đại ấy, đòi hỏi con người sự hi sinh dâng hiến và hòa nhập.
- Sở dĩ có sự khác biệt, bởi mỗi tác phẩm viết về những đề tài riêng biệt. Sóng viết về đề tài tình yêu, Từ ấy lại ngợi ca lí tưởng của Đảng, về sự đổi thay của con người Cách mạng. Nhưng sự khác biệt rõ nhất thuộc về dấu ấn phong cách tác giả…
---------------