Dành nhiều thời gian hơn cho môn Toán
Có một sự thật là các sĩ tử dân khối D thường tập trung học môn Văn và môn Tiếng Anh mà không quan tâm nhiều lắm đến môn Toán vì học phải “hại não”. Nhưng với hình thức thi trắc nghiệm khách quan như hiện nay thì việc bỏ qua môn Toán lại là một sai lầm khá đáng tiếc, khi đây là môn thi mà bạn có thể dễ dàng đạt điểm trung bình đến khá mà không cần bỏ quá nhiều công sức.
Bỏ bê ôn luyện môn Toán sẽ là một thiệt thòi lớn cho các sĩ tử khối D
Có 10 dạng bài toán thường xuất hiện trong đề thi, bao gồm: tích phân, đạo hàm, hàm số, xác suất thống kê, giới hạn, phương trình lượng giác, phương trình mũ logarit, giá trị lớn nhất/ nhỏ nhất, tọa độ không gian, số phức. Đây đều là những dạng cơ bản trong sách giáo khoa. Thí sinh chỉ cần học và nắm chắc các kiến thức lý thuyết cộng thêm làm bài tập theo nhiều cách khác nhau. Tốt nhất là luyện cách bấm máy tính Casio để giải nhanh các bài toán đơn giản. Nếu bạn không học giỏi môn Toán thì cũng có thể tạm bỏ qua các dạng bài khó, chỉ cần xem qua và làm nhanh hơn vì chúng sẽ ngốn của bạn kha khá thời gian làm bài.
Ngoài ra, các công thức Toán học cũng cần ghi nhớ có hệ thống vì phần kiến thức trải rộng ở cả 3 lớp 10, 11, 12. Nên ghi ra sổ tay những công thức tính quan trọng.
Ghi nhớ một cách có hệ thống với môn Văn
Với môn Ngữ Văn, nhiều bạn sẽ chọn cách ôn tập là đọc và học thuộc thật nhiều các bài văn mẫu, các bài phân tích đi học thêm… chủ yếu theo phương pháp là thuộc lòng. Thế nhưng với khung chấm điểm theo ý cho môn Văn như hiện tại, cách học này không những làm đầy nhanh chóng “bộ nhớ” của bạn, không còn chỗ trống để nhớ những môn học khác, mà còn dễ gây nhầm lẫn kiến thức giữa phần này sang phần kia.
Tốt nhất là các sĩ tử nên học môn Văn theo kiểu dàn ý, vạch ra những ý chính trong một bài phân tích rồi ghi nhớ dàn ý đó. Như vậy, dù gặp bất cứ dạng đề nào, bạn cũng sẽ có hướng giải quyết dễ dàng vì đã có sẵn dàn ý nội dung trong đầu rồi. Hơn nữa, ngoài câu phân tích văn học thì đề thi THPT quốc gia hàng năm còn có một câu nghị luận xã hội mở rộng và một câu đọc hiểu trả lời câu hỏi, chỉ cần biết định hướng viết là sẽ đạt điểm cao. Tuy nhiên cũng không nên quá chú trọng vào câu nhiều điểm nhất và làm sơ sài những câu còn lại.
Sĩ tử nên có một cuốn sổ nhỏ để ghi những ý quan trọng khi ôn thi
Phần Tiếng Anh cũng chủ yếu là ghi nhớ cấu trúc ngữ pháp, từ vựng. Nhưng phần lớn sẽ là các kiến thức sách giáo khoa nên bạn chỉ cần học vững trong đó là có thể đạt được điểm số tương đối rồi.
Bộ nhớ của bạn thì cũng không phải là vô hạn nên cần cân bằng giữa các nội dung. Không quá thiên về một môn và phần nào quan trọng, cơ bản thì học trước.
Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc ôn luyện
Ngoài 2 phương pháp học khối D như trên, sĩ tử cũng nên chú ý đến một số các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc ôn luyện như:
- Không gian học: bạn nên chọn nơi học yên tĩnh, cửa sổ thông thoáng, có thể bật nhạc nhẹ nhàng trong khi học cho thư giãn đầu óc.
- Thời gian học: các em nên chọn thời gian ôn vào những lúc đầu óc hoạt động tốt nhất, như 5 – 6h, 7h30 – 10h, 14h – 16h, 20h – 22h…
- Học xen kẽ: không nên chỉ ôn một môn trong một khoảng thời gian dài mà bạn nên ôn xen kẽ cả 3 môn, có thể 30 – 60’/môn, nghỉ 5-10’ rồi lại ôn tiếp môn khác.
- Học nhóm: có thể tập hợp một nhóm bạn và cùng học, cùng giải bài tập để bổ sung cho nhau những chỗ hổng kiến thức.
Trên đây là một vài chia sẻ về cách ôn thi hiệu quả cho các sĩ tử khối D. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em phần nào trong khoảng thời gian quan trọng này và chúc các em sẽ có một mùa thi thật tốt!
Cao đẳng y dược Sài Gòn tổng hợp