Rabeprazole là một loại thuốc thường được chỉ định sử dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày. Nhưng nếu muốn dùng thuốc hiệu quả thì cần nắm rõ các thông tin về loại thuốc này.
Công dụng của thuốc Rabeprazole là gì?
Rabeprazole được sử dụng để điều trị một số tình trạng bệnh thuộc đường tiêu hóa, bao gồm:
- Ợ nóng và các triệu chứng khác liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày. Bệnh này xảy ra khi axit trong dạ dày của bạn trào ngược lên vào thực quản. Điều này có thể gây ra cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng, vị chua trong miệng hoặc ợ.
- Loét tá tràng (vết loét ở phần đầu của ruột non), bao gồm cả vết loét do vi khuẩn H. pylori gây ra.
- Các tình trạng khiến dạ dày tạo ra quá nhiều axit, bao gồm cả một bệnh hiếm gặp gọi là hội chứng Zollinger-Ellison.
Rabeprazole thường dùng trong điều trị trào ngược dạ dày, loét tá tràng…
Rabeprazole có thể được sử dụng như một phần của liệu pháp phối hợp. Điều này có nghĩa là bạn có thể cần phải dùng nó với các loại thuốc khác. Khi Rabeprazole được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn H. pylori gây ra, nó đã được sử dụng kết hợp với hai loại kháng sinh là amoxicillin và clarithromycin.
Rabeprazole thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc ức chế bơm proton. Nó giúp bạn trị bệnh bằng cách giảm lượng axit sản xuất ra trong dạ dày của bạn.
Cách sử dụng Rabeprazole
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc hoặc đơn thuốc được bác sĩ kê cho để có thể sử dụng chính xác và hiệu quả nhất.
Nếu bạn sử dụng Rabeprazole dạng viên nén, uống thuốc trước hoặc sau ăn tùy theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 2 lần mỗi ngày. Nuốt cả viên thuốc kèm với uống nhiều nước. Không nghiền nát, nhai hoặc tách viên thuốc làm nhiều phần. Làm như vậy có thể giải phóng tất cả hoạt tính của thuốc cùng một lúc, làm tăng nguy cơ gây ra tác dụng phụ.
Nếu bạn sử dụng Rabeprazole viên nang, hãy dùng 1 liều cách khoảng 30 phút trước bữa ăn, thường là một lần một ngày. Không nuốt cả viên nang mà mở nó ra và rắc bột thuốc lên các loại thức ăn mềm (như táo hoặc sữa chua) hoặc chất lỏng. Nuốt toàn bộ hỗn hợp trong vòng 15 phút sau khi chuẩn bị. Không nhai hoặc nghiền nát hỗn hợp.
Liều lượng và thời gian điều trị dựa trên tình trạng bệnh của bạn và sự đáp ứng với liệu trình điều trị. Ở trẻ em, liều lượng cũng dựa trên trọng lượng.
Nếu cần thiết, thuốc kháng axit có thể được dùng cùng với Rabeprazole. Nếu bạn cũng đang dùng sucralfate, hãy dùng rabeprazole ít nhất 30 phút trước khi dùng sucralfate.
Tác dụng phụ và chống chỉ định của Rabeprazole
Các tác dụng phụ phổ biến mà Rabeprazole gây ra có thể bao gồm: đau đầu, đau bụng (vùng dạ dày), viêm họng, nhiễm trùng, táo bón, bệnh tiêu chảy… Thường chúng không nguy hiểm và sẽ biến mất sau vài ngày ngưng dùng thuốc.
Rabeprazole có thể gây ra một số tác dụng phụ nhưng không đáng ngại
Đến bệnh viện ngay nếu bạn gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:
- Hàm lượng magiê thấp. Các triệu chứng có thể thấy là: co giật, chóng mặt, nhịp tim không đều hoặc nhanh, hốt hoảng, run rẩy, yếu cơ, co thắt tay và chân, chuột rút hoặc đau cơ, co thắt thanh quản, với các triệu chứng như khó thở, ho, khò khè, giọng khàn hoặc nghẹn họng.
- Tiêu chảy nặng (do nhiễm C. difficile): phân lỏng, đau bụng, sốt.
- Lupus ban đỏ da (CLE): phát ban trên da và mũi; nổi mẩn đỏ, có vảy, đỏ hoặc tím trên cơ thể.
- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): sốt, mệt mỏi, giảm cân, xuất hiện các cục máu đông, ợ nóng.
Chống chỉ định dùng Rabeprazole trong các trường hợp:
- Bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Rabeprazole.
- Nhạy cảm với thực phẩm hoặc thuốc nhuộm
- Đang hoặc chuẩn bị phẫu thuật
- Đang sử dụng thuốc để chữa các vấn đề sức khỏe như: Viêm dạ dày, bệnh gan, tiêu chảy, loãng xương.
Hạn chế sử dụng thuốc cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Nếu cần thiết, phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trên đây là một vài chia sẻ về thuốc Rabeprazole. Hi vọng bài viết đã cung cấp thêm cho các bạn những thông tin cần thiết để lựa chọn dùng thuốc cho hợp lý. Lưu ý bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, các bạn nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn một cách an toàn nhất.
Nguồn: Cao đẳng Y Dươc HCM tổng hợp