6 bệnh viện và cơ sở y tế tại Hà Nội cách ly y tế
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã phát hiện hơn 120 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Đặc biệt, đã có 9 cơ sở y tế, trong đó có những cơ sở tuyến Trung ương phải tạm thời cách ly, ngừng tiếp nhận bệnh nhân để phòng, chống dịch do phát hiện có ca OVID-19.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho những nơi được xem là tuyến đầu chống dịch này đang trở thành mục tiêu trọng tâm. Chỉ riêng tại Hà Nội, hiện đã có tới 6 bệnh viện và cơ sở y tế đang thực hiện cách ly y tế. Các bệnh viện này đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh thông thường đến điều trị để thực hiện các biện pháp để phòng chống COVID-19.
6 đơn vị tại Hà Nội gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, 3 cơ sở của bệnh viện K tại Tân Triều, Quán Sứ và Thanh Trì, Bệnh viện Quân y 105 và bệnh viện đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã kiến nghị với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế là cần phải rà soát tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thành phố. Chủ động lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng ngay từ đầu tại các bệnh viện; khuyến cáo người dân hạn chế chuyển người về khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương.
Để giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang bị phong tỏa vì ổ dịch COVID-19, Bộ Y tế đã quyết định di chuyển một số bệnh nhân từ bệnh viện này về Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Do cần chuẩn bị kỹ nên từ chiều 7/5, tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam cùng hàng trăm y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang tích cực hỗ trợ kê giường bệnh, máy móc, trang thiết cho công tác điều trị.
Dự kiến sẽ đón 200 bệnh nhân trong đó có những người đã mắc COVID-19 đã được điều trị âm tính với virus SarS-CoV-2 từ 1-2 lần. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã tiếp nhận cách ly 245 trường hợp F1 của ổ dịch COVID-19 mới đây tại Hà Nam mà mắc các bệnh lý nền về đây theo dõi và điều trị. Dự kiến đầu giờ chiều 8/5, các bệnh nhân sẽ được di chuyển từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về đây.
Đợt dịch lần thứ 4 được nhận định phức tạp hơn do có nhiều nguồn lây nhiễm. Một câu hỏi được đặt ra là nguồn lây trong các bệnh viện từ đâu? Từ trong chính các bệnh viện, tại các khu điều trị bệnh nhân COVID-19, hay từ bên ngoài thâm nhập vào bệnh viện?
Trong cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 7/5, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 làm việc ở bộ phận không điều trị bệnh nhân COVID-19, vì vậy nguồn lây chắc chắn từ bên ngoài. Các khu điều trị COVID-19 được cách ly rất chặt chẽ, không có người nhiễm, các ca bệnh ghi nhận vừa qua chủ yếu xuất hiện ở các khoa điều trị bệnh thông thường.
Các bệnh viện nâng mức cảnh báo cao nhất phòng dịch COVID-19
Việc COVID-19 từ bên ngoài thâm nhập vào bệnh viện, càng đặt ra thách thức phải làm sao để đảm bảo an toàn phòng dịch cho các bệnh viện - nơi trọng điểm cần bảo vệ. Hiện các cơ sở y tế đã nâng mức cảnh báo dịch lên cao nhất với nhiều lớp phòng dịch được đưa ra.
Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ngay tại khu vực sàng lọc dành cho người có biểu hiện ho, sốt… bệnh viện đã bố trí hệ thống đèn cực tím khử khuẩn. Đây là một trong những biện pháp bổ sung trong công tác phòng dịch. Vì là một trong những môi trường dễ phát tán dịch, người bệnh dễ gặp nguy hiểm nếu nhiễm virus SARS-CoV- 2 nên bệnh viện đã thiết lập quy trình sàng lọc 3 lớp để phân loại bệnh nhân.
Còn tại bệnh viện Thanh Nhàn, tất cả người bệnh khi đến khám cũng đều phải thực hiện khám sàng lọc, phân luồng và kê khai y tế. Tùy vào từng trường hợp sẽ áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Có thể thấy hầu hết các bệnh viện đều đã nâng mức cảnh báo phòng dịch lên cao nhất. Cùng với đó là thiết lập hệ thống phòng dịch chặt chẽ từ tất các khâu bởi bệnh viện là "đích" tấn công của dịch. Nếu không siết chặt các biện pháp thì nguy cơ lây lan trong các bệnh viện là khó tránh khỏi.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường chống dịch, thực hiện giãn cách trong bệnh viện, định kỳ xét nghiệm ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao. Bộ cũng yêu cầu Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp