Gia đình cháu Đ. cho biết cháu sang hàng xóm chơi đã bị giống chó lai nuôi thả rông nặng khoảng 30kg lao ra tấn công gây ra hậu quả là rất nhiều vết rách tại 2 bên chân. Cháu Đ. đã rất đau đớn bởi hơn 30 vết thương lớn nhỏ.
Sau khi nghe tiếng la hét của cháu, hàng xóm và gia đình lập tức đưa bé đến trạm y tế gần đó để sơ cứu sau đó được chuyển thẳng tới Trung tâm Sản Nhi.
Trẻ bị vết thương bắp chân trái 10x10cm, lộ gân cơ cẳng chân trái, tổng số gần 30 vết thương trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương gối phải (dài 5cm) và cùng nhiều vết thương nhỏ dài khoảng 2-3cm. Ngay sau khi tiếp nhận, cháu Đ. đã nhanh chóng được xử trí, rửa vết thương, thay băng để vết thương hở, tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại kết hợp dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. Sau đánh giá tình hình, bệnh nhi phải khâu tới gần 70 mũi tất cả. ThS. Bs Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại Nhi Tổng Hợp là người trực tiếp xử lý cắt lọc và khâu vết thương cho biết.
Bé Đ. bị chó tấn công 30 vết thương
Được biết đây là giống chó lai rất dữ tợn, nặng gần 30kg, được gia đình nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó đang được thả rông không xích hay rọ mõm gì nên xảy ra sự việc đáng tiếc trên cho cháu Đ. Sau này hậu quả để lại cháu Đ. có thể sẽ ám ảnh tâm lý và vết thương sâu sẽ khó lành sẹo. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Gia đình cần chú ý đến các cháu nhỏ hơn không để trẻ tự chơi ngoài khu vực gia đình mình.
Nhà có trẻ con thì không nên nuôi giống chó to và dữ, người dân khi nuôi chó phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, chó phải được xích, chó ra đường phải rọ mõm...Nếu trường hợp xấu xảy ra, thì phải xử trí nhanh làm sạch vết thương, rồi đưa đến trung tâm y tế gần nhất.
Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.
Theo thống kê tại Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, từ đầu hè tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Một vài trường hợp chỉ bị xước nhẹ, còn một vài trường hợp bị nặng phải khâu phức tạp như trường hợp của bé Đ. Hầu hết các trường hợp bị chó cắn thường là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và từ phía trẻ. Trẻ em thì thường thích chơi đùa với vật nuôi là chó, mèo, tuy nhiên đôi khi cũng không thể kiểm soát hết được hành động của nó dễ dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Bé Đ. bị chó cắn ghiêm trọng nhất là vết thương ở gối phải
Cách sơ cứu khi bị chó cắn để không mắc bệnh dại
Sau khi bị chó cắn, bất kể là chó khỏe mạnh hay chó ốm, người dân đều phải xử trí theo các bước như sau:
Bước 1: Vệ sinh vết cắn
Vệ sinh vết cắn là bước vô cùng quan trọng sau khi bị chó cắn, nếu bạn xử lý không đúng cách hoặc không kịp thời có thể làm tăng thêm nguy hiểm cho cơ thể.
Đầu tiên, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bạn phải tách rời phần quần/áo ra khỏi vị trí vết cắn. Nếu vết cắn ở chân thì bạn có thể xắn quần lên hoặc dùng kéo cắt bỏ phần vải ngay vết cắn giúp hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần, làm bám nhiều hơn vào vết thương.
Sau đó bạn tiến hành rửa vết thương, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy để để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Không rửa chân trong chậu, nếu không có vòi nước có thể dùng gáo múc ra để rửa.
Nếu có thể, bạn có thể sử dụng nước ấm, rửa bằng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng. Tuy nhiên, hãy rửa thật nhẹ nhàng, tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.
Bước 2: Dùng thuốc sát trùng
Để làm sạch vết chó cắn, bạn có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước oxy già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Tuy nhiên bạn chỉ nên đổ 1 lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vì bôi thuốc sẽ rất xót.
Bước 3: Kiểm tra tình trạng vết cắn
Sau khi đã rửa sạch vết thương, các bạn cần kiểm tra xem tình trạng của vết cắn ở mức độ nào để có hướng xử lý phù hợp. Trong trường hợp nếu vết thương sâu và bị ra nhiều máu, bạn cần lấy băng gạc sạch và dây thun để garô xung quanh vết thương và chi sau đó nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh tình trạng mất quá nhiều máu. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là không nên băng quá chặt sẽ khiến máu khó lưu thông.
Bước 4: Tiêm phòng dại
Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại. Đồng thời theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào, nếu thấy con chó có biểu hiện bất thường như ốm, chết, bị bán hay bị giết thì bạn cần tới gặp bác sĩ ngay để có hướng xử lý kịp thời.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo người dân cần tuyệt đối không làm những điều sau khi bị chó cắn:
- Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.
- Không dùng thuốc Nam, đặc biệt là sát lá, đắp vào vết thương.
- Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương.
- Lưu ý tuyệt đối không được bóp hay nặn máu ra và không băng kín vết thương
Những trường hợp cần đi tiêm phòng dại ngay
- Đã xác định được con chó cắn bạn là chó đang phát bệnh có mắt đỏ ngầu, chảy nước dãi, sùi bọt mép, trông buồn bã...
- Nơi bị chó cắn gần hoặc nằm trong vùng đang có dịch bệnh chó mèo.
- Con chó cắn bạn là chó hoang, chó lạ không thể theo dõi được.
- Vết cắn quá nặng, mất quá nhiều máu
- Nếu bạn là người đang mắc một trong những bệnh như tiểu đường, ung thư, HIV thì cũng cần liên hệ với trung tâm y tế ngay để có phương án giải quyết kịp thời.
Theo NLĐ - Cao đẳng Y Dược Sài Gòn t/h