Người béo phì sau khi tiêm vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm nCoV cao hơn bình thường.
Vaccine được tạo ra để bảo vệ cộng đồng khỏi nhiều bệnh như cúm, viêm gan B, uốn ván và bệnh dại. Tuy nhiên, chúng có thể kém hiệu quả hơn ở người trưởng thành béo phì so với dân số nói chung. Điều này không ngoại lệ với vaccine Covid-19.
"Vaccine có tác dụng tốt với người béo phì chứ? Dự đoán của chúng tôi là không", Raz Shaikh, phó giáo sư dinh dưỡng tại Đại học North Carolina, nói.
Hơn 107 triệu người Mỹ trưởng thành bị béo phì. Dù được tiêm chủng, khả năng miễn dịch của họ có thể không đủ ngăn ngừa nCoV. Điều này có thể gây trở ngại cho việc đi làm trở lại, chăm sóc gia đình và tiếp tục cuộc sống hàng ngày.
Vào tháng 3, khi đại dịch mới bắt đầu, một nghiên cứu tại Trung Quốc chỉ ra những bệnh nhân thừa cân nhiễm nCoV có nguy cơ tử vong cao hơn người bình thường. Điều này cho thấy tương lai nguy hiểm đang chờ đợi Mỹ, nơi tỷ lệ dân số bị béo phì thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Tại các khoa hồi sức cấp cứu ở New York, New Jersey và một vài nơi khác, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cảnh báo người có chỉ số BMI từ 40 trở lên nằm trong nhóm có nguy cơ mắc Covid-19 nặng nhất. Khoảng 9% công dân Mỹ trưởng thành nằm trong số đó.
Sau nhiều tuần trôi qua, các quan chức y tế liên bang đã nâng mức cảnh báo đến cả những người có BMI từ 30 trở lên. Điều này mở rộng đáng kể các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng, tới 42,4% người Mỹ trưởng thành.
Béo phì cản trở phản ứng miễn dịch
Từ lâu, béo phì được biết đến như một yếu tố gây bệnh tim mạch và ung thư. Gần đây, nhiều nhà khoa học còn phát hiện béo phì cũng ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm nCoV.
Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ tạo ra phản ứng viêm khi cần, sản xuất bạch cầu và một số protein đặc hiệu để chống lại mầm bệnh. Vaccine có tác dụng kích hoạt đáp ứng miễn dịch đó. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm máu chỉ ra rằng tình trạng béo phì, tăng huyết áp và đường huyết cao sẽ kích thích phản ứng viêm xảy ra liên tục.
Mặc dù cơ chế chính xác chưa rõ ràng, nhiều tác giả tin rằng hiện tượng viêm mạn tính đã can thiệp vào đáp ứng miễn dịch với vaccine, khiến người béo phì vẫn có thể mắc các bệnh kể cả sau khi được chủng ngừa.
Bằng chứng những người béo phì có đáp ứng miễn dịch kém sau tiêm vaccine được phát hiện lần đầu vào năm 1985, trên các đối tượng được tiêm chủng viêm gan B. Nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm rõ rệt sau 11 tháng ở những người béo phì so với người bình thường. Kết quả này giống với với một nghiên cứu khác, khi các nhà khoa học sử dụng kim tiêm dài hơn để đảm bảo vaccine được chích vào cơ chứ không phải mô mỡ.
Các chuyên gia cũng chỉ ra tình trạng tương tự với vaccine viêm gan A, uốn ván và bệnh dại.
Không những vậy, vaccine còn kém hiệu quả ở người cao tuổi. Đó là lý do tại sao những người từ 65 tuổi trở lên phải tiêm liều vaccine cúm cao hơn người trẻ tuổi. Điều này giúp đưa một lượng kháng nguyên của virus cúm vào cơ thể nhiều hơn để kích hoạt phản ứng miễn dịch hiệu quả.
Trong khi đó, những người béo phì, kể cả người lớn và trẻ em, lại chưa được quan tâm đúng mức.
"Tôi chưa hiểu tại sao tính hiệu quả của vaccine ở người thừa cân không được báo cáo đầy đủ", Catherine Andersen, phó giáo sư sinh học tại Đại học Fairfield, chuyên gia về bệnh béo phì và chuyển hóa cho biết. "Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội can thiệp y tế công cộng to lớn"
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp