Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Chồng đánh lừa bệnh viện, trộm phôi thai của vợ cho bồ mang thai

Cập nhật: 12/10/2019 14:53 | Nhâm PT

Khi vừa sinh con trai được 7 tháng, người vợ sửng sốt nhận được điện thoại của bác sĩ hỏi thăm tình hình sức khỏe thai nhi sau chuyển phôi.

Chồng đánh lừa bệnh viện, trộm phôi thai của vợ cho bồ mang thai

Lấy cắp chứng minh thư của vợ, đưa bồ đi cấy phôi

Bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) kết hôn năm 1990. Hai vợ chồng bà có với nhau 3 con, con lớn nhất đã 29 tuổi, cháu nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Dù vậy, ông bà vẫn muốn có thêm con, do tuổi cao, bà N đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) để làm thụ tinh ống nghiệm.

Bệnh viện Bưu điện, nơi xảy ra vụ việc

Bệnh viện Bưu điện, nơi xảy ra vụ việc

Kết quả, vợ chồng bà lọc được 2 phôi, phôi 1 chuyển vào ngày 31.12.2017 và thành công, đến tháng 9.2018, bà sinh con thứ 4 là bé trai. Phôi còn lại, 2 vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.

Đến tháng 4.2019, khi vừa sinh con trai được hơn 7 tháng, bà N. vô cùng ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi của bác sĩ hỏi về sức khỏe sau khi mang thai. Sau đó, bà N mới biết phôi thai của mình đang được lưu trữ ở Bệnh viện Bưu điện được chuyển vào ngày 2.4.2019 và đã đậu thai.

Sự thật khiến bà N sốc khi chính chồng bà đã thừa nhận lấy cắp phôi của vợ cho cô "bồ" của mình là G.T.D, 45 tuổi ở Bắc Giang mang thai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện cho biết: "Đây là trường hợp hy hữu mà tôi chưa từng gặp trong bao nhiêu năm làm công tác hỗ trợ sinh sản, khiến tôi và các bác sĩ mất ăn mất ngủ".

Theo bác sĩ Nhã, ngay khi nhận được đơn của bà N., trung tâm đã rà soát lại toàn bộ quy trình, đều thấy làm rất chuẩn. “Ông chồng quá thủ đoạn, chủ động đánh lừa các bác sĩ. Hơn nữa ông ấy có đủ hết giấy tờ bản gốc, người vợ đến cũng trả lời đầy đủ câu hỏi kiểm tra của bác sĩ”, bà Nhã nói.

Bà Nhã cho biết, quy trình làm thụ tinh ống nghiệm ở trung tâm rất chặt chẽ, để làm thủ tục lọc trứng, chuyển phôi, gửi phôi đều phải có Chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn của 2 vợ chồng bản gốc và có chữ ký của cả hai.

Theo quy định của bệnh viện yêu cầu gia đình phải trình chứng minh nhân dân gốc, hộ khẩu và đăng ký kết hôn gốc trước khi chuyển phôi để so sánh với hồ sơ lưu tại bệnh viện. Đồng thời, người được chuyển phôi phải trả lời các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của bệnh viện như số con của gia đình, con lớn, con nhỏ tuổi như thế nào, anh chị em trong gia đình...

"Trường hợp này, người chồng đã giấu chứng minh nhân dân của vợ khiến người vợ tưởng bị mất. Khi đến bệnh viện, ông ta trình đủ các giấy tờ, có thẻ gửi phôi trữ đông, do từng chứng kiến quá trình chuyển phôi cho vợ, nên ông chồng cũng nắm rõ câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi kiểm tra, cô bồ trả lời đều chính xác"- bác sĩ Nhã nói.

Sẽ nhận diện khuôn mặt và vân tay người đến nhận phôi

Bà Nhã cũng cho biết sau khi được chuyển phôi vào tháng 4, người được chuyển phôi đã mang thai nhưng hiện thai nhi đã bị sẩy. Cặp vợ chồng này cũng đã ly dị được vài tháng, hiện người vợ đang khiếu nại ông chồng "lừa" ăn trộm phôi.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt và vân tay, lưu trữ từ thời điểm thực hiện kỹ thuật, so sánh và sàng lọc thời điểm chuyển phôi nhằm tránh các trường hợp tương tự"- Bác sĩ Nhã cho hay.

Bị phạt 30 - 40 triệu đồng?

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, với hành vi sử dụng phôi còn dư mà chưa được sự đồng ý của cả hai vợ chồng, căn cứ khoản 2 điều 33 nghị định 176/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, ông chồng và người được chuyển phôi trong vụ việc hi hữu này sẽ bị phạt 30- 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở y tế cũng sẽ bị xử phạt tùy mức độ.

Nguồn: Lao động

Trường Cao đẳng y dược Sài Gòn tổng hợp