Đại diện nhóm nghiên cứu chiều 30/11 cho biết hiện rất khó tìm được địa phương có vài nghìn người chưa tiêm vaccine Covid-19 và đủ tiêu chuẩn tham gia thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu phải tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng. Theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt, nghiên cứu vaccine Covivac giai đoạn ba dự kiến cần 4.000 người tình nguyện thử nghiệm.
Đại diện Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cũng cho biết đã thông báo ngừng thử nghiệm tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện IVC chưa có kế hoạch về thời gian tiếp tục nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba. Còn đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ "xem xét phương án nghiên cứu liều vaccine tăng cường để sử dụng trong tương lai".
Covivac là vaccine Covid-19 do IVAC nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020, phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thử nghiệm vaccine từ cuối tháng 1. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm trên người. Giai đoạn một, vaccine thử nghiệm tại Hà Nội, với 120 tình nguyện viên. Giai đoạn hai bắt đầu từ giữa tháng 6, thử nghiệm tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trên 375 người. Giai đoạn ba dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2021, như vậy đến nay không thể tuyển đủ tình nguyện viên.
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia (Hội đồng đạo đức Quốc gia) hôm 3/8 đánh giá ở giai đoạn một, vaccine Covivac an toàn và sinh miễn dịch, chấp thuận chuyển sang nghiên cứu giai đoạn hai.
Vaccine Covivac được bào chế theo công nghệ nuôi cấy virus trên tế bào phôi gà và chủng virus do Mỹ cung cấp. Công nghệ trứng gà có phôi là nuôi cấy virus trong trứng gà đã hình thành phôi, rồi hút lấy virus sau khi đã nhân lên để tinh chế, lọc tách, bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh và đưa vào bào chế vaccine. Đây là công nghệ sản xuất vaccine cổ điển, từng được IVAC ứng dụng sản xuất nhiều vaccine khác, ví dụ vaccine cúm mùa, A/H5N1.
Ngoài Covivac, Việt Nam còn 4 đơn vị đang thử nghiệm, chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19. Trong đó, vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu, đang nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp. Vaccine ARCT-154 do tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ và vaccine của Công ty Shionogi Nhật Bản, cũng đang thử nghiệm. Công ty Vabiotech đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Sputnik V, quy mô khoảng 5 triệu liều một tháng.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp