Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Tại sao bệnh viện mời người nuôi bệnh ra đường giữa khuya?

Cập nhật: 24/08/2019 17:28 | Nhâm PT

Mới đây, bạn đọc Tân Quy có chia sẻ tình trạng bệnh viện mời người nuôi bệnh ra đường giữa khuya trước cổng Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ. Tại sao lại có sự việc này?.

Tại sao bệnh viện mời người nuôi bệnh ra đường giữa khuya?

Hằng đêm vào khoảng thời gian 23h đến hơn 0h sáng, lực lượng bảo vệ "mời" người nhà bệnh nhân ra khỏi khuôn viên bệnh viện. Những người nuôi bệnh với khuôn mặt đầy lo âu, ngồi bên vệ đường. Có người chọn cách ngủ luôn tại vệ đường cảnh màn trời chiếu đất, ở vỉa hè đường ngoài cổng bệnh viện, có người chấp nhận vào nhà nghỉ của bệnh viện với giá 50.000 đồng/người/đêm.

Trả lời về vấn đề trên, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết hiện tại đối với quy định số lượng thân nhân nuôi bệnh ở lại bệnh viện được chia làm 2 khu vực:

Đối với khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực - chống độc: bệnh viện luôn tạo điều kiện cho thân nhân người bệnh túc trực ở lại chờ bên ngoài 24/24h.

Đối với khu vực các khoa điều trị nội trú: hằng ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị hơn 1.300 bệnh nhân nội trú, nếu tính trung bình 1 bệnh nhân có 1 thân nhân ở lại chăm sóc, số lượng người trong bệnh viện đã hơn 2.600 người, chưa kể nhân viên y tế.

Đã xảy ra tình trạng mất cắp do các đối tượng xấu trà trộn, đông người ồn ào ảnh hưởng đến người bệnh, tăng tình trạng nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Do đó, từ ngày 15-6-2009, bệnh viện đã có quy định: sau 22h, mỗi bệnh nhân đang điều trị sẽ chỉ có 1 thân nhân (có thẻ nuôi bệnh) được ở lại để chăm sóc người bệnh, các trường hợp đặc biệt sẽ được lãnh đạo khoa xem xét. Bệnh viện thường xuyên có thông báo (qua hệ thống loa) về giờ giấc người nhà đến thăm và ở lại chăm sóc người bệnh để thân nhân sắp xếp rời bệnh viện trước 22h.

Những thân nhân bệnh nhân ở xa có nhu cầu ở lại có thể đăng ký với khoa, phòng hành chính quản trị để được sắp xếp chỗ ở tại nhà nghỉ của bệnh viện (tuy nhiên số lượng phòng cũng có giới hạn).

"Quy định này đã có từ rất lâu. Nhận thấy khó khăn của người nuôi bệnh nên chúng tôi còn du di, chưa kiểm soát gắt gao. Gần đây, tình hình an ninh trật tự trong khuôn viên bệnh viện có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp mất cắp xảy ra, bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phường, bảo vệ chuyên nghiệp tuần tra trong toàn bệnh viện, nhắc nhở người nuôi bệnh thực hiện đúng quy định" - vị lãnh đạo bệnh viện nói.

Bệnh viện luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ người dân. Nhưng cũng rất mong người bệnh và thân nhân người bệnh hợp tác với mục đích đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, thân nhân.

Cảnh chật chội của một bệnh viện nhi

Cảnh chật chội của một bệnh viện nhi

 Sau chia sẻ này được đăng tải, có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề người nuôi bệnh ở lại bệnh viện. Chúng tôi xin trích lại một vài ý kiến sau của độc giả:

“Khi chưa thể như các nước có nền y tế phát triển, bệnh nhân nhập viện chỉ là cá nhân bệnh nhân, người thân chỉ đến thăm trong giờ quy định. Nếu bệnh truyền nhiễm thì cấm luôn người thân thăm hỏi chứ đừng nói ở chăm bệnh nhân trong bệnh viện! Cấm là đúng! Sau 21h cấm chứ đừng nói 22h. Bệnh nhân còn nghỉ ngơi,VN ta người đến thăm vì tình cảm là tốt nhưng hệ lụy rất cao từ việc thăm hỏi chăm sóc này. Rất nhiều người vào viện thăm hỏi mà cứ như ở bãi biển, nói cười ồn như chợ vỡ, thậm chí nhiều người còn cho con nhỏ vào viện thăm nữa. Cho nên cần có quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được vào viện thăm người ốm nằm viện, tránh việc lây chéo, môi trường bệnh viện hoàn toàn không phải công viên. Đối với bệnh nhân có thể tự sinh hoạt cá nhân được cũng cấm người thân ở lại chăm bệnh nhân. Tại sao phải cấm là bởi bệnh viện là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh qua thăm nuôi mầm bệnh phát tán rất nguy hiểm. Ủng hộ cách làm của bệnh viện này, thăm hỏi chỉ được phép từ 9h-10h, chiều từ 16h-17h! Người nuôi bệnh nhân chỉ 1, các bệnh viện không được cho nhiều người ở thăm nuôi bệnh nhân”, bạn Hiền Nguyễn thông tin.

Bạn đọc tên Thanh ý kiến: “Để cho người dân có quyền lợi chăm sóc bệnh nhân là người thân trong bệnh viện (1 người) vì người bệnh lúc nào cũng cần người thân bên cạnh họ. Nếu tận thu như vậy thì vô lý quá”.

Một ý kiến khác cho hay: “Những người bị "mời" ra không phải là người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh đều có cấp thẻ. Và quy định mỗi người bệnh có 1 người nuôi là đúng. Ban ngày có nhiều công việc phải làm như chuyển bệnh nhân đi đi khám, mua thuốc,... nên cần nhiều người (tối đa cũng chỉ cần 2 người) còn đêm khuya có làm gì mà vào cho đông. Bệnh nhân sức khỏe kém cần không gian yên tĩnh, thông thoáng để nghỉ ngơi, người nuôi bệnh cũng cần nghỉ ngơi”.

“Các bệnh viện ở Cần thơ hiện nay và bệnh viện Đa khoa TW nói riêng bây giờ ở tất cả các dịch vụ, nhất là tiền gửi xe nhẩm tính 1 ngày thu lợi nhuận từ việc giữ xe là rất lớn, thái độ của nhân viên giữ xe thì hóng hách y như người ta đi xin. Chính quyền địa phương nên xem xét lại quy định giữ xe ở các bệnh viện để người dân đỡ khổ, người thân bị bệnh vào viện đã khổ lắm rồi lại phải đóng khoản tiền giữ xe quá cao. Ví dụ gửi xe trong bệnh viện để nuôi dưỡng người thân ở đây 1 tuần thì ra về phải trả tiền gửi xe khoảng hơn 100 ngàn”, độc giả Đăng Khoa cho biết.

“Sao ở những nước tây Âu như Anh Pháp Đức, gần thì ngay như Nhật, Đài loan...không có chuyện nuôi bệnh. Hộ lý, y tá sẽ làm hầu như mọi chuyện, cần thì tăng số lượng hộ lý, tăng lương thích đáng thì mọi người sẽ tán thành thôi. Chứ nuôi bệnh là bỏ công ăn việc làm, không phải là tiền hay sao?”, bạn đọc Hoàng Sang chia sẻ.

Nguồn: Theo TT