Trao đổi với PV, anh Phạm Thế Thắng vẫn không giấu nổi sự lo lắng, tinh thần suy sụp. Bởi, mắt anh chỉ bị sụp mí bẩm sinh chỉ trải qua một cuộc phẫu thuật mà đến nay có nguy cơ mù vĩnh viễn. Anh là một người lao động chính trong gia đình, đến nay anh đang lo sợ mình trở thành người tàn phế từ sau cuộc phẫu thuật này. Trong khi đó, lãnh đạo bệnh viện Mắt khẳng định làm đúng quy trình và không hề né trách nhiệm.
Nói về lý do phải đi phẫu thuật anh Thắng chia sẻ: “Do bị sụp mí bẩm sinh, tôi cảm thấy rất tự ti với mọi người, nên vào tháng 3/2019 tôi có tới bệnh viện Mắt Trung ương thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị sụp mí bẩm sinh kết quả cho thấy, thị lực mắt phải 20/25, mắt trái 20/25 và chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp treo cơ trán”.
Sổ khám bệnh sau mổ sụp mí của anh Thắng
Anh Thắng đã quyết định vay mượn tiền để đến Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội để thực hiện phẫu thuật. Một tuần sau ngày khám, ngày 25/3 anh Thắng được bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền - BV Mắt Trung ương thực hiện cuộc phẫu thuật, sau đó kê đơn thuốc và cho về nhà uống theo dõi, hẹn một tuần sau khám lại.
Anh cho biết thêm, trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ dặn đi cùng người nhà để đưa về ngay, sau 3 đến 5 ngày là đi lại làm việc bình thường.
Tuy nhiên, do mắt đau, về nhà được 3 ngày anh Thắng thấy mắt đau, khô rát thị lực mờ hẳn nên ngày 29-3 anh đã xin lên viện khám lại. Sau khi khám tại đây, anh Thắng được bác sĩ kết luận bị trợt giác mạc do hở mi mắt sau phẫu thuật treo cơ trán nên lại được bác sĩ kê thuốc về nhà uống.
Từ đầu tháng 4 cho đến ngày 20/5/2019 anh Thắng thấy mắt đau rát hơn và thị lực ngày càng yếu và hiện không còn nhìn thấy mọi vật ở trước mặt nên anh đã tới Bệnh viện tái khám rất nhiều lần. Qua các lần khám, bác sĩ kết luận 2 mắt loét giác mạc do hở mi sau phẫu thuật treo cơ trán và hẹn tái khám sau 1 tuần.
Sau đó 1 tuần anh lại lên tái khám, anh Thắng được bác sĩ cho biết bị loét giác mạc do hở mi; mắt phải đạt 0,2m, mắt trái 20/400 và kê đơn thuốc cho về điều trị. Tuy nhiên do thị lực tiếp tục giảm, mắt khô rát nên lần này anh Thắng yêu cầu cho nằm lại Bệnh viện để điều trị. Tại đây, Bệnh viện thăm khám và chỉ định hạ mi cho anh Thắng và cũng đồng thời thu thêm tiền đặt cọc 6 triệu đồng.
Anh cho biết, nằm điều trị ở Bệnh viện nhưng đến ngày 6-4 và 7-4-2019, các bác sĩ yêu cầu anh phải ra ngoài thuê phòng trọ với lý do là 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật, khoa không làm việc và không có người trực. Anh được hẹn ngày 8-4 quay lại tiếp tục điều trị.
Những ngày sau đó mắt anh T. nhìn càng ngày càng mờ, thậm chí nhiều lúc không nhìn thấy gì. Ngày 2-5, anh được kết luận sẹo giác mạc; mắt phải 20/400 mắt trái 20/160.
Anh Thắng không còn khả năng nhìn xa sau ca phẫu thuật
Anh Thắng sinh hoạt và đi lại rất khó khăn, thậm chí như người mù lòa nên tinh thần bị suy sụp rất nhiều, kinh tế gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Từ ngày đi thực hiện phẫu thuật về, từ một người vẫn nhìn thấy bình thường mà giờ đây anh Thắng như thành người tàn phế, chỉ loanh quanh trong nhà, mọi sinh hoạt phải nhờ vào người bố đã gần 70 tuổi và người thân xung quanh.
Được biết gia đình anh thuộc diện khó khăn, bố mẹ đã già ngoài 70 tuổi, bố vừa mổ tim, mẹ bị tâm thần phân liệt, bản thân anh cũng đã chia tay vợ và phải chu cấp tiền hàng tháng nuôi con nhỏ.
Quá lo lắng, anh Thắng đã xin tư vấn ghép giác mạc để có thể nhìn thấy được ánh sáng, tuy nhiên bác sĩ cho rằng việc ghép giác mạc không cải thiện được nhiều, trong trường hợp đủ điều kiện được ghép thì cũng phải chờ sau 2 năm nữa.
Anh Thắng ngậm ngùi: “Tôi vô cùng hoang mang, không hiểu vì sao thị lực đang tốt chỉ vì phẫu thuật sụp mí rất đơn giản mà tôi lại bị mù hẳn thế này. Trước khi đi làm thủ thuật, nhiều người nói với tôi rằng phẫu thuật này dễ làm, không cần tới bệnh viện trung ương cho tốn kém. Nhưng để an tâm, tôi sẵn sàng mất thêm tiền để ca phẫu thuật được an toàn hơn, vậy mà đang nhìn thấy ánh sáng, giờ sau phẫu thuật tôi lại trở thành người mù”.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra bác sĩ trực tiếp phẫu thuật đã tìm về tận gia đình anh Thắng để khuyên anh tiếp tục lên điều trị, đồng thời mong gia đình không muốn đẩy sự việc đi quá xa.
Về phía bệnh nhân Thắng cho biết cuộc làm việc kéo dài 5 tiếng đồng hồ và hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Hướng điều trị của bệnh viện đã kéo dài 4 tháng rồi, nhưng thị lực không thuyên giảm, anh chỉ mong bệnh viện sớm có hướng giải quyết, có trách nhiệm bồi thường cho gia đình để bản thân có thể tìm hướng tiếp tục điều trị ở một bệnh viện khác. Bản thân anh Thắng cũng hiện không còn đặt niềm tin về phía bệnh viện được nữa.
Bệnh viện khẳng định "làm đúng quy trình, không lừa bệnh nhân"
Liên quan đến sự việc trên, TS. Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đã có buổi làm việc với các cơ quan báo chí và mời đại diện gia đình lên làm việc và giải thích các vấn đề thắc mắc.
TS.BS Phạm Ngọc Đông cho rằng để xảy ra biến chứng là điều không ai mong muốn, các bác sĩ đã làm đúng quy trình điều trị và theo dõi cho bệnh nhân. Giám đốc bệnh viện cũng chỉ đạo rõ, nếu vấn đề gì bệnh viện sai thì bệnh viện nhận lỗi, chịu trách nhiệm về cái sai đó, còn cái gì bệnh nhân chưa hiểu thì giải thích cho bệnh nhân. Phía bệnh viện nếu có sai lầm thì có cơ hội để sửa chữa.
Về thị lực của bệnh nhân Thắng, TS.BS.Trần Thị Chu Quý, Phó trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu BV Mắt Trung ương cho biết: “Theo quy định của tổ chức y tế thế giới năm 2002, mức độ của bệnh nhân Thắng hiện tại đang ở mức giảm thị lực nặng. Ở bệnh viện của cũng đã, đang và sẽ tiếp tục đón nhận những ca bệnh như thế này, tiêu chí là làm tăng thị lực của bệnh nhân ở mức độ tốt nhất có thể sau tất cả các phương pháp điều trị”.
Còn theo TS.BS. Phạm Hồng Vân, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ cho rằng: “Phẫu thuật bằng phương pháp treo cơ trán chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân sụp mi rất nặng, cân cơ nâng mi rất kém tức là khả năng nâng mi lên kém. Với những bệnh nhân cân cơ nâng mi kém thì mới có mổ chỉ định bằng phương pháp treo cơ trán bằng dây silicon, phương pháp này gần như ngay sau mổ 100% là hở mi (mắt nhắm không kín). Mi sau này sẽ mềm hơn, vấn đề là hở mi có nhiều mức độ”.
Trao đổi thêm về thị lực của bệnh nhân Thắng hiện nay, bệnh nhân Thắng đang bị giảm thị lực nặng, có thể điều trị laser hoặc ghép giác mạc.
Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương trả lời báo chí
Đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, phía bệnh viện đã nhận được phản ánh của anh Phạm Thế Thắng từ ngày 7/8/2019. Trong đơn phản ánh, bệnh nhân Thắng thắc mắc rằng bản thân đã nộp tiền nhưng không được nhận hóa đơn, vậy tiền này đi đâu?. Bệnh viện đã cung cấp bằng chứng hóa đơn điện tử còn sao lưu trong hệ thống có ghi rõ ngày giờ lập hóa đơn cụ thể. Hoàn toàn không có chuyện nộp tiền mà sau đó tiền đó đi vào túi ai. Việc gia đình không có hóa đơn có thể để thất lạc, không phải lỗi của bệnh viện. Bệnh viện không lừa dối, vì bệnh nhân công khai ký và đồng ý trước khi khám chữa bệnh, giấy cam kết có chữ viết tay của bệnh nhân vẫn còn lưu tại viện. Sau khi được giải thích, đại diện của gia đình mới xin lỗi bệnh viện và nói rằng, viết trong đơn như thế là do thấy không có hóa đơn.
Thứ hai, bệnh nhân cho rằng bệnh viện lừa dối bệnh nhân, khi vào đăng ký khám bệnh ở khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu ở tầng 1, sau đó được phân công chuyển lên các phòng. Tuy nhiên khi kiểm tra lại thì ban đầu anh Thắng được khám ở khoa thẩm mỹ, sau đó được phân công chuyển lên các phòng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền đã chẩn đoán bệnh nhân bị sụp mi và chỉ định mổ vào một tuần sau đó, bác sĩ cũng có giải thích cho bệnh nhân và bệnh nhân đồng ý mổ.
Trong vụ việc bệnh nhân tố bị biến chứng có nguy cơ mù mắt do phẫu thuật sụp mí, Bệnh viện Mắt Trung ương không sai về chuyên môn. Ông Đông thừa nhận có biến chứng là viêm loét giác mạc, nguy cơ đã được lưu ý trong các ca phẫu thuật sụp mí. Đây là biến chứng không ai muốn xảy ra. Ông Phạm Ngọc Đông cho hay, chúng tôi có bằng chứng bệnh nhân bị biến chứng là không tuân thủ quá trình điều trị.
Vị Phó Giám đốc viện Mắt Trung ương luôn khẳng định phía bệnh viện đã làm việc đúng quy trình, đúng phác đồ, làm đúng trách nhiệm chứ không chối bỏ trách nhiệm.
“Tôi xin khẳng định, bệnh nhân không phải ở trạng thái mù, vẫn có thể tự đi lại được, tự phục vụ được mình. Bệnh nhân yêu cầu là phải trả lại con mắt giống như trước khi chưa phẫu thuật, cái này chúng tôi nói điều này là không thể, đòi hỏi này là vô lý”.
Riêng về việc anh Thắng “tố” bệnh viện không cho bệnh nhân nằm điều trị vào ngày cuối tuần, đại diện Bệnh viện thừa nhận đây là sai sót của cán bộ, nhân viên y tế. Thực tế, bệnh viện không làm việc ngày nghỉ nhưng nếu có bệnh nhân thì người trực vẫn phải tiếp nhận và thay băng hàng ngày cho bệnh nhân.
Chia sẻ thêm về hướng giải quyết của bệnh viện với trường hợp bệnh nhân Thắng, TS.BS. Phạm Ngọc Đông cho hay: “Cái mà chúng tôi hỗ trợ cho bệnh nhân, đó là tạo điều kiện ở mức tốt nhất để bệnh nhân được điều trị làm giảm thiểu tối đa biến chứng. Chúng tôi cũng nêu rõ quan điểm, nếu bệnh nhân còn tin tưởng chúng tôi, chúng tôi sẽ hỗ trợ bác sĩ tốt nhất, thuốc tốt nhất, trang thiết bị tốt nhất để tiếp tục điều trị cho người bệnh. Tại cuộc họp hôm thứ 2, gia đình và bệnh viện có ký văn bản cuộc họp, nhưng phía gia đình vẫn căng thẳng và chưa đi đến thống nhất. Gia đình có đề nghị cần thêm một cuộc gặp nữa, và chúng tôi cũng đồng ý”.