Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Một phụ nữ 49 tuổi say nắng, sốc nhiệt, hôn mê, tổn thương đa tạng

Cập nhật: 22/05/2020 17:11 | Trần Thị Mai

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, tụt huyết áp, tổn thương gan, thận, tim...

Một phụ nữ 49 tuổi say nắng, sốc nhiệt, hôn mê, tổn thương đa tạng

Một phụ nữ, 49 tuổi, ở Quảng Ninh, đốt nương trong tiết trời nắng nóng dẫn đến sốc nhiệt, phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai 5 ngày trước trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, tụt huyết áp, tổn thương gan, thận, tim...

Trước đó, người phụ nữ này cùng người nhà đốt nương. Do sức nóng của lửa và nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến bệnh nhân bị say nắng, sốc nhiệt, nhanh chóng rơi vào hôn mê.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiệt, nghi ngờ hôn mê do hít khói, ngộ độc khí CO. Bệnh nhân bị tổn thương đa tạng, bỏng vùng mắt, tổn thương gan nặng, suy gan, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân được điều trị tích cực, bệnh nhân qua tình trạng nguy kịch. Các chức năng tim, thận trở về bình thường, rối loại đông máu ổn định, chức năng gan gần về bình thường. Đến hôm nay (22/5), bệnh nhân tỉnh táo, tự sinh hoạt, đang tiếp tục được theo dõi.

Mot-phu-nu-49-tuoi-say-nang-soc-nhiet-hon-me-ton-thuong-da-tang

Sốc  nhiệt (say nắng) có thể khiến người bệnh tử vong hoặc gây tổn hại cho não.

Các chuyên gia cảnh báo thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hoà thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ. Lúc này bệnh nhân sẽ bị chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức.

Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh... và tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, phổi mãn tính là nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong.

Với những bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng, các chuyên gia lưu ý việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, thậm chí cả di chứng mà bệnh nhân phải chịu.

Sơ cứu sốc nhiệt đúng cách

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), cho biết, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.

Mọi người lưu ý đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào.

Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.

Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.

Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.

Bác sĩ cũng khuyến cáo khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, người dân phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện….

Khuyến cáo đặc biệt phòng sốc nhiệt ngày nắng nóng

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các thành viên trong gia đình, khi mở điều hòa, tốt nhất để ở mức từ 25 đến 27 độ C (không nên chênh lệch quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời).

Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.

Trong trường hợp bị sốc nhiệt khi đang lao động, người nhà bệnh nhân cần phải thực hiện theo các bước sau: Đưa người bị sốc nhiệt vào chỗ râm mát tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng; sau đó nới lỏng quần áo để nhiệt độ thoát ra; tiếp theo là gọi người hỗ trợ đưa đi bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm