Thay đổi ngành học không gì là muộn cả
Thay đổi ngành học là chuyện không lạ nhưng việc quyết định dừng học ngành bác sĩ đa khoa - ngành học nhiều người mong muốn, để chọn lại ngành khác có thể xem là hy hữu. Vì vậy mà việc sinh viên Nguyễn Hoàng Gia Khánh (22 tuổi, TP. HCM) - tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã từ bỏ ngành bác sĩ đa khoa dù học gần hết năm thứ 3 để thi lại ĐH sư phạm đã gây nhiều tiếc nuối với mọi người.
Trước đó 4 năm, Khánh từng là thí sinh có tổng điểm 6 môn trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước và trúng tuyển đồng thời 2 trường: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (ngành sư phạm hóa học 27,5 điểm) và Trường ĐH Y dược TP.HCM (ngành y đa khoa 28,5 điểm). Khánh đã chọn học bác sĩ đa khoa, cho đến khi gần hết năm thứ 3 thì quyết định xin bảo lưu, nghỉ 1 năm ôn luyện để thi lại ĐH và chọn theo nghề giáo vì không thấy phù hợp với giảng đường cũ. Năm nay, Khánh đã trúng tuyển Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngành sư phạm hóa học với điểm số rất cao (28,05 điểm).
Nguyễn Hoàng Gia Khánh, tân thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Sau bài viết “Chọn học lại nghề giáo viên sau 3 năm học ngành bác sĩ đa khoa” đăng trên website trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, có rất nhiều ý kiến bạn đọc đã gửi về nhà trường, ý kiến bày tỏ sự nuối tiếc cho sự lựa chọn của Khánh cũng nhiều và sự đồng thuận với quyết định học nghề giáo viên cũng không ít. Phải chăng hai ngành học này đều có những gian nan riêng, tự hào riêng mà chỉ có những người thực sự yêu nghề, hết mình với nghề mới thấu hiểu được?.
Bạn đọc tên Tùng Trần (Hà Tĩnh) viết: “Giỏi như em thì học ngành gì cũng được miễn là phải đam mê. Chúc mừng em, nói về độ vất vả thì ngành y vất vả hơn sư phạm nhiều lắm, không có thời gian kể cả giấc ngủ. Ngành y suốt cả ngày đêm lại phải đi trực, ngủ cũng chẳng đủ giấc. 6 năm đa khoa, 2 năm nội trú, về đi làm 2 năm , học tiếp 2 năm chuyên khoa 1, về đi làm 2 năm học tiếp 2 năm chuyên khoa 2 , tính sơ sơ và suôn sẻ là cũng mất 16 năm mà khi về may mắn lắm cũng là phó, trưởng khoa thôi, quá vất vả. Mới y3 mà em ấy đã bị stress, theo tôi em ấy đã chọn đúng con đường và tương lai của em”.
Bạn đọc Lan Lê viết: “Lúc đầu con gái mình cũng tính học ngành y nhưng cuối cùng đã lựa chọn lại và mình tôn trọng sự quyết định của con. Bất kể nghề gì cũng phải bắt đầu từ đam mê. Chúc con thành công trên con đường mình đã chọn”.
“Học Y quá khó mà k được khoa trương gì, cứ học miệt mài, làm vất vả mà đôi khi chả sơ xuất gì nhưng bệnh nhân vẫn chết. Nản lắm! Nhất là khi người nhà k hiểu, con người đôi khi chết bất đắc kỳ tử”, bạn đọc Vũ Thị Đà chia sẻ.
“Bạn dừng cuộc chơi hơi sớm nhưng cũng chúc mừng bạn. Ở ngoài nhìn vào rất oai nhưng thực tế thì chỉ có người trong nghề mới hiểu. Với cơ chế ngày càng siết chặt, siết cổ và thiếu hành lang pháp lý bảo vệ như hiện nay ngành y sẽ không còn là ngành mơ ước của nhiều người như trước đây nữa. Vẫn nhớ như in vụ án BS Hoàng Công Lương, chính xác là bị ám ảnh nghề nghiệp. Nghề gần trại giam nhất chỉ có nghề......”, bạn đọc Trần Nhung (Cần Thơ) chia sẻ.
Hà Nguyễn (Thái Bình) nói: “Nghề này nó bạc vô cùng, người bệnh thì vô ơn, cứu đc 1000 người cũng chả được câu cảm ơn nào, mà coi như trách nhiệm nghĩa vụ, chỉ 1 người vì một lý do bất khả kháng nào mà xảy ra chuyện đáng tiếc thì họ coi như lỗi tại cán bộ Y tế hết, phủi hết mọi nỗ lực mà họ cố gắng…”
"Tiếc quá, suy nghĩ kỹ lại đi bạn ơi. Bạn vẫn có thể là nhà giáo nếu sau này bạn làm giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM", bạn đọc tên Nam (TP.HCM) viết.
Bạn đọc Lê Đức Thơ (Đà Nẵng) nói: "Chú rất ngưỡng mộ ý chí của cháu nhưng bác sĩ là thầy thuốc đó".
Nhiều bạn đọc đã chỉ ra thực tế những áp lực trong việc học ngành y khi vào được trường này đã khó, học ngành y đa khoa lại càng khó hơn nhiều. Không ít sinh viên theo học y đa khoa, mỗi năm có khoảng 7-10 bạn bị stress phải dừng ngay việc học hoặc bảo lưu kết quả, hoặc ôn thi lại tìm trường có áp lực học nhẹ hơn.
Nỗi vất vả của ngành y không phải ai cũng vượt qua được
Cũng không ít ý kiến bày tỏ sự đồng ý với quyết định của thủ khoa này. Đặc biệt là ý kiến từ những người trong cuộc, hiểu rõ được những áp lực mà một người học và sau này hành nghề y cần trải qua.
Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Yến (Bình Thuận) chia sẻ: "Con tôi đã tốt nghiệp dược sĩ ĐH, đi làm một năm thấy không hợp và lại ôn thi, giờ đang học năm thứ 4 ngành bác sĩ đa khoa. Con tôi bảo bây giờ chọn ngành mới chính xác, không gì mà muộn cả".
Một bạn đọc tại TP.HCM cũng ủng hộ khi cho rằng khi bị stress, không chịu nổi áp lực học ngành y thì việc dừng lại là điều tất nhiên.
Trước sự thay đổi này, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục vì lựa chọn làm lại của Khánh.
"Rất đáng khâm phục vì đã dũng cảm chọn lựa được con đường khác cho mình. Không ít người lựa chọn sai đường nhưng vẫn sống chết không dám thay đổi vì hoàn cảnh không ủng hộ, hoặc chỉ đơn giản là sợ mất tất cả. Họ chọn cách thích nghi nhưng thích nghi không được thì chẳng khác nào để bản thân chết dần trong công việc sau này…", Uyên Phương (TP.HCM) bày tỏ.
Lương nghề sư phạm cũng không khá hơn y
Công bằng mà nói, nghề nào cũng đáng quý, xã hội phân công mỗi người một việc, tuy nhiên việc dừng học ngành y và theo sư phạm cũng là một lựa chọn táo bạo vì hiện nay theo đánh giá chung của nhiều người thì nghề giáo cũng nhận mức lương khá “bèo bọt”, vất vả nhưng lương thấp không xứng với năng lực bỏ ra.
Có thể nói, từ xưa tới nay, nghề giáo và nghề y luôn được xem là những nghề cao quý nhất nhưng thời gian trở lại đây, cả hai nghề này đều đang là tâm điểm của sự chỉ trích. Nếu như xem xét kỹ thì tình cảnh của nghề giáo và nghề y ở Việt Nam có nhiều mặt tương đồng,nguyên nhân gây ra vấn nạn của 2 nghề này một phần cũng là chế độ lương. Lương thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Chế độ lương của ngành sư phạm đối với giáo viên mới ra trường chỉ được gần 3 triệu, còn đối với giáo viên làm lâu năm đã có thâm niên thì được 6 triệu tính cả việc tăng tiết học và dạy ngoài giờ của thầy cô dạy cấp 3.
Quay lại với ngành y cũng không hề khá khẩm hơn, thi vào trường y đã khó, học miệt mài suốt 6 năm trời học hành rèn luyện, mới tốt nghiệp ra trường, nếu như vào làm ở bệnh các viện công, các bác sĩ trẻ phải ngậm ngùi với mức lương “trọn gói” ở tầm 4-5 triệu đồng. Còn đối với những bác sĩ làm việc lâu năm cũng chỉ có thể chạm ngưỡng mức 7-8 triệu đồng. Tính ra nếu mổ một ca đại phẫu thì chưa được đến 100.000 đồng mà trách nhiệm của bác sĩ lại vô cùng nặng nề, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể hệ lụy đến sinh mạng của bệnh nhân. Đối với các nhân viên y tế khác như điều dưỡng, y tá, hộ sinh,... xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thì lại còn ở mức thấp hơn nữa.
Ngành sư phạm mức lương được nhận định là thấp
Chính vì thế mà bác sĩ hay giáo viên cũng đều có những mặt khó và dễ khác nhau, dù cao quý đến mức nào thì công việc họ làm ngoài đam mê thì còn là gánh nặng nuôi sống gia đình. Với nỗi lo cơm áo gạo tiền, giáo viên và nghề y đều phải chạy sô kiếm thêm thu nhập bên ngoài chính vì thế mà họ không còn lựa chọn nào khi nhu cầu thu nhập không đáp ứng đủ với cuộc sống của họ.
Nếu không đam mê thực sự sẽ rất khó để theo đuổi
Theo ý kiến cá nhân Nguyễn Hoàng Gia Khánh, sau khi trải qua 4 năm với 2 lần lựa chọn, Khánh có lý giải riêng cho lựa chọn của mình, nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được.
Khánh đã rút ra những chiêm nghiệm riêng cho bản thân mình rằng, nếu không đam mê thực sự sẽ rất khó để theo đuổi. Nghề nào cũng có những khó khăn riêng nên không thể so sánh cái nào hay hơn cái nào. Quan trọng là sau những áp lực đó mình có cảm thấy vui với những việc mình làm hay không, người trong cuộc nhìn nhận trước sự quan tâm của mọi người.
Trước tình huống thay đổi và chọn ngành học này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: "Chọn nghề theo sở thích là tốt nhất".
Nếu không có đam mê và có sở thích với nghề sẽ thực sự rất khó thể theo đuổi đến hết đời. Còn bạn, nếu có cơ hội được lựa chọn, bạn sẽ chọn nghề y hay nghề giáo?Theo TN