Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Các dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh trĩ và phương pháp điều trị phổ biến

Cập nhật: 07/04/2022 03:30 | Trần Thị Mai

Trĩ là một căn bệnh lành tính, tuy nhiên gây nhiều khó khăn cho người bệnh vì tâm lý ngại đi khám cùng với đó các triệu chứng khó nhận biết nên thường chủ quan bỏ qua. Để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh trĩ, bạn đọc cùng theo dõi bài chia sẻ dưới đây nhé!  

Các dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh trĩ và phương pháp điều trị phổ biến

Bệnh trĩ là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

Bệnh trĩ là tình trạng phồng lớn của một hoặc nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên hoặc tĩnh mạch trĩ dưới hay cả hai gây nên trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh về hậu môn thường gặp thì phổ biến nhất hiện nay là bệnh trĩ. Căn bệnh này có thể hình thành ở nhiều lứa tuổi và bất kể ai cũng có thể mắc bệnh.

Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh trĩ nhưng chủ yếu là do tình trạng gia tăng áp lực ở hậu môn điều này gây ảnh hưởng đến lưu lượng hồng cầu tại đây và làm cho những tĩnh mạch sưng lên.

Ngoài ra còn có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ như:

  • Ngồi làm việc, học tập trong suốt một thời gian dài.
  • Mắc tình trạng táo bón lâu ngày.
  • Thường xuyên quan hệ qua đường hậu môn.
  • Rặn khi đi qua cầu.
  • Cơ thể bị béo phì.
  • Theo độ tuổi
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên bổ sung các chất gia vị cay nóng, uống rượu, bia, cà phê nhiều, chế độ ăn thiếu chất xơ…
  • Phụ nữ mang thai hoặc sinh thường cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh trĩ do thai nhi làm áp lực trong ổ bụng tăng. Áp lực tăng lên này có thể làm các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn phình to. Do thai nhi làm áp lực trong ổ bụng tăng. 

Triệu chứng nhận biết bệnh trĩ

Các giảng viên Cao đẳng Dược TP HCM chia sẻ dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ để nhận biết sớm và điều trị kịp thời bao gồm:

  • Chảy máu nhưng không gây đau rát khi đi đại tiện: Đây là triệu chứng sớm nhất và có thể nhận thấy máu đỏ tươi ở trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Mức độ sẽ tăng dần theo thời gian và khi ngồi xổm cũng có thể gây chảy máu.
  • Có cảm giác ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn vì dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc trong ống hậu môn.
  • Đau từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng kèm theo sưng vùng quanh hậu môn.
  • Xuất hiện một khối nhô lên gần hậu môn gây rát hoặc đau.

Ngoài ra thì tùy thuộc vào từng vị trí mà triệu chứng của trĩ cũng sẽ khác nhau, cụ thể như:

Trĩ ngoại:

  • Vùng da trên búi trĩ sẽ bị kích thích và bị loét điều này gây cảm giá khó chịu cho người bệnh.
  • Các cơn xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng.
  • Nhận thấy bệnh nhân sẽ cảm thấy một khối nhô lên quanh hậu môn.
  • Ngứa, rát do cục máu đông có thể bị hấp thu để lại vùng da nhăn nheo.

Trĩ nội:

  • Thường thì dạng trĩ nội sẽ không gây cảm giác đau mặc dù bị xuất huyết.
  • Không thể nhìn thấy búi trĩ hoặc cảm nhận được.
  • Khi đi cầu phân có thể làm trầy xước về mặt búi trĩ và làm chảy máu.

Cũng có những trường hợp mắc bệnh trĩ mà không có các triệu chứng nhận biết ở trên nên bạn cần chú ý theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn phương pháp điều trị đúng cách.

benh-tri
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị bệnh hiệu quả

Các phương pháp điều trị bệnh trĩ

Khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trĩ thì người bệnh hãy nên đến khám nhằm để các bác sĩ xác định tình trạng bệnh, từ đó tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Hiện nay phương pháp phổ biến để điều trị bệnh trĩ bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa. Cụ thể như:

Điều trị nội khoa

Việc dùng thuốc được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng do bệnh gây ra.

Một số các dạng thuốc có thể được dùng trong điều trị như thuốc dạng kem, thuốc mỡ, thuốc đạn hoặc miếng lót… cần chú ý lựa chọn những sản phẩm có chứa thành phần hazel hazel hoặc hydrocortison và lidocaine nhằm giảm đau và ngứa nhanh chóng.

Tuyệt đối không nên kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm kem chứa steroid vì sẽ khiến cho da vùng hậu môn mỏng đi, dễ bị chảy máu mà nên dùng các kem bôi có thành phần thảo dược từ thiên nhiên.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp bệnh trĩ đã phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp điều trị ngoại khoa. Nhưng các thủ thuật hay phẫu thuật bệnh cần được thực hiện tại phòng khám hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị cao.

  • Thắt búi trĩ bằng dây thun: đây là một thủ thuật sử dụng dây thun để thắt đáy búi trĩ bằng một chiếc vòng cao su hoặc sợi dây thun nhằm mục đích ngăn chặn máu tươi chảy vào các búi trĩ để ngừng cung cấp dinh dưỡng cho búi trĩ khiến cho chúng dần teo đi và nhỏ lại.
  • Chích xơ búi trĩ: bác sĩ sẽ tiến hành tiêm dung dịch hóa học trực tiếp vào mô trĩ  sau một khoảng thời gian tạo ra xơ hóa cho búi trĩ. Lúc này búi trĩ không được máu chảy đến để nuôi dưỡng nên sẽ bị teo lại.
  • Dùng tia hồng ngoại, laser hoặc lưỡng cực để làm đông máu. Từ đó mà ngăn ngừa tình trạng xuất huyết, búi trĩ cũng sẽ bị cứng và teo lại. Tuy kỹ thuật đông máu không gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nhưng có thể gây ra các khó chịu ngay lúc đó và tỷ lệ bệnh trĩ tái phát cao hơn so với việc điều trị bằng dây cao su.
  • Cắt bỏ búi trĩ: đây là cách điều trị bệnh đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt cho những trường hợp mắc bệnh cấp độ nặng và tái phát. Hiện nay có rất nhiều các phương pháp cắt trĩ như logo, HCPT, Ferguson, PPH, Morgan… Cắt bỏ búi trĩ sẽ gây đau đớn cho người bệnh sau khi làm thủ thuật nhưng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và dùng thêm thuốc giảm đau. Ngoài ra việc ngâm mình sau khi phẫu thuật cũng có thể giảm bớt tình trạng đau đớn.
  • Ghim trĩ: thực hiện ghim trĩ nhằm ngăn chặn lưu lượng máu đến mô trĩ. Phương pháp ghim trĩ này thường sử dụng cho những người mắc bệnh trĩ nội. Khi tiến hành bấm ghim sẽ ít gây đau hơn việc cắt trĩ, đồng thời phương pháp này giúp người bệnh nhanh chóng trở lại sinh hoạt đời thường hơn.

Hy vọng với những thông tin bệnh trĩ ở trên bạn đọc sẽ biết cách để nhận biết bệnh sớm, đồng thời tìm hiểu các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đọc thắc mắc hãy tham khảo ý kiến người có năng lực chuyên môn.