Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Các phương pháp điều trị chấn thương sụn chêm

Cập nhật: 15/07/2021 19:04 | Trần Thị Mai

Chấn thương sụn chêm có thể xảy ra ở cả trẻ em và  người lớn tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vậy kỹ thuật nào được dùng trong chẩn đoán chấn thương sụn chêm? Có các phương pháp nào để điều trị?... Theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp các thắc mắc ở trên.  

Các phương pháp điều trị chấn thương sụn chêm

Chấn thương sụn chêm là gì?

Sụn chêm là một trong những thành phần quan trọng của khớp và dễ bị tổn thương nhất. Sụn chêm nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày là hai tấm sụn có đặc tính bền, dai và đàn hồi nên gọi là sụn chêm.

Khi sụn chêm bị chấn thương nhất là do đã cắt toàn bộ hoặc cắt một phần sụn chêm đi thì sẽ làm thay đổi phân bố lực tác động lên sụn khớp và sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp. 

Các tổn thương sụn chêm còn phụ thuộc vào độ tuổi và biểu hiện qua độ dày chắc, chất lượng lớp sụn của mặt khớp chày và  đùi, cụ thể như:

  • Đối với người trẻ tuổi thì mặt sụn khớp dày hơn, đàn hồi và lực sẽ được hấp thụ tốt hơn nên thường có nguy cơ tổn thương rách theo chiều dọc.
  • Người lớn trên 30 tuổi, lúc này chất lượng sụn đã bị thay đổi và dần có các dấu hiệu suy giảm, khó hấp thụ được các lực xoay nên khi bị tổn thương thường có khả năng rách ngang hoặc rách chéo.
  • Đối với người già khi các sụn khớp thoái hóa nhiều và lớp sụn đã mất đi thì khe khớp gối sẽ bị hẹp lại và lúc này cử động lăn của lồi cầu trên mâm chày bị ma sát nhiều hơn nên các vết rách có xu hướng nham nhở hơn các trường hợp khác.

Trong hầu hết các trường hợp chấn thương sụn chêm nếu được phát hiện sớm và được điều trị phù hợp thì sẽ có khả năng phục hồi cao, người lớn sẽ phục hồi tốt và nhanh hơn người cao tuổi.

Nguyên nhân gây ra chấn thương sụn chêm

Có nhiều vị trí mà sụn chêm bị chấn thương như rách sụn chêm, rách sừng trước, rách sừng sau, rách vùng vô mạch…

Các hình thái rách sụn chêm cũng khác nhau như rách sụn chêm ngang, rách sụn chêm dọc, rách sụn chêm phức tạp, rách sụn chêm hình nan hoa…

Cùng tìm hiểu một số nguyên nhân gây ra chấn thương sụn chêm như:

  • Trẻ em thường bị chấn thương sụn chêm do trong quá trình chơi thể thao, vui chơi hoặc chạy nhảy.
  • Người lớn bị chấn thương sụn chêm do trong khi chơi thể thao, tai nạn giao thông hoặc khi về già bị thoái hóa. Việc đang ngồi ghế đột ngột đứng lên khi tư thế chân hơi vặn cũng có khả năng làm rách sụn chêm.

Bên cạnh đó còn có các đối tượng dễ bị chấn thương sụn chêm như:

  • Các vận động viên thường xuyên tham gia các môn thể thao như bóng đá hoặc những hoạt động liên quan đến hoạt động xoay vòng như quần vợt, bóng rổ…
  • Người lớn tuổi khi sụn chêm đã bị mòn cũng dễ có nguy cơ mắc chấn thương sụn chêm.

Ngoài ra sẽ còn các nguyên nhân và yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc chấn thương sụn chêm, nếu người bệnh có thắc mắc hãy hỏi trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết hơn.

chan-thuong-sun-chem
Chấn thương sụn chêm có những dấu hiệu nào để nhận biết bệnh?

Dấu hiệu nhận biết chấn thương sụn chêm

Trong khoảng thời gian đầu khi mới bị rách sụn chêm thì người bệnh vẫn đi lại được bình thường, tuy nhiên cơn đau sẽ xuất hiện sau khoảng 2 – 3 ngày. Cùng với đó sẽ là các triệu chứng của chấn thương sụn chêm như:

  • Sụn chêm bị chấn thương sẽ có tiếng nổ nhỏ.
  • Đầu gối bị đau và sưng.
  • Khớp gối bị kẹt.
  • Nghe thấy tiếng lục cục trong khớp khi vận động.
  • Đi lại hoặc vận động bị gặp khó khăn. 
  • Co duỗi khớp gối gặp khó khăn.
  • Cảm giác đau nhức khi ấn nhẹ vào khe của khớp gối.

Triệu chứng chấn thương sụn chêm của mỗi người sẽ không giống nhau do còn tùy thuộc vào mức độ chấn thương và độ tuổi của người bệnh, cụ thể như:

  • Khi chấn thương sụn chêm có mức độ tổn thương nhẹ thì sẽ có cảm giác đau nhẹ và sưng khớp gối, thời gian đau kéo dài từ 2 – 3 tuần.
  • Chấn thương sụn chêm bị ở trung tâm khớp gối thì giới hạn sẽ bị hạn chế và thấy đau ở bề mặt khớp gối khi ngồi xổm. Triệu chứng đau có thể kéo dài nếu không được điều trị.
  • Tình trạng chấn thương nặng và rách lớn thì sẽ xuất hiện triệu chứng sưng hoặc cứng khớp sau chấn thương từ 2 – 3 ngày.

Ngoài ra sẽ còn có các triệu chứng khác chưa được liệt kê ở trên, nếu người bệnh thắc mắc hãy hỏi thêm bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết hơn.

Kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh chấn thương sụn chêm

Kỹ thuật chẩn đoán 

Khi bác sĩ có nghi ngờ bạn có thể bị chấn thương sụn chêm thì sẽ chỉ định thực hiện một số các kỹ thuật để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh như:

Chụp X quang: kỹ thuật chụp hình ảnh này sẽ cho biết chính xác tình trạng xương khớp gối và tổn thương sụn chêm.

Chụp cộng hưởng từ: Cho thấy rõ hơn các hình ảnh về mức độ tổn thương sụn chêm.

Nội soi: kiểm soát tốt mức độ tổn thương và tình trạng rách của sụn chêm.

chan-thuong-sun-chem
Khi có triệu chứng bị chấn thương sụn chêm thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách

Phương pháp điều trị chấn thương sụn chêm

Căn cứ vào kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và mức độ chấn thương sụn chêm và đưa ra phương pháp điều trị cụ thể.

Vị trí chấn thương sụn chêm ở vùng giàu mạch máu nuôi: Ở đây có nhiều mạch máu nuôi nên dễ lành, nếu vết rách nhỏ thì có thể tự liền mà không cần điều trị.

Vị trí chấn thương sụn chêm vùng trung gian ở 1/3 giữa: Thời gian có thể tự lành thấp hơn ở vùng có nhiều mạch máu nuôi nhưng ở vị trí này chấn thương có  thể tự lành mà không cần các phương pháp điều trị can thiệp. 

Rách sụn chêm vùng vô mạch: rách sụn chêm vùng 1⁄3 trong (bờ tự do), vùng không có mạch nuôi. Có các trường hợp chấn thương sụn chêm nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi thì cần phải tiến hành cắt bỏ phần sụn chêm bị rách, điều này cần đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.

Một số các biện pháp thường được dùng trong điều trị chấn thương sụn chêm như:

  • Điều trị không phẫu thuật

Các trường hợp bị rách nhỏ ở bờ ngoại vi, lâm sàng không đau, gối còn vững thì không cần phẫu thuật. 

Điều trị không phẫu thuật sẽ giúp phục hồi các tổn thương ở sụn chêm, bằng bốn hoạt động chính:

  • Dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh với cường độ cao.
  • Chườm đá: sử dụng túi chườm lạnh ngay sau khi bị chấn thương, duy trì 1 - 2 lần/ ngày.
  • Băng ép bằng một loại băng có tính đàn hồi để ngăn chặn sưng thêm và mất máu.
  • Nâng cao chân hơn so với tim để giúp giảm đau sưng khớp, có thể dùng kê một cái gối hoặc miếng đệm kê cao chân hơn so với tim. 

Điều trị bằng phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật sụn chêm:

  • Cắt toàn bộ sụn chêm: Sử dụng kỹ thuật nội soi để hỗ trợ cắt sụn chêm hoàn toàn đến tận bao khớp. Tuy nhiên hiện nay phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến. 
  • Cắt một phần sụn chêm: Phương pháp này chỉ dùng cho trường hợp bị rách sụn chêm vùng vô mạch. Dùng kỹ thuật nội soi để cắt bỏ một phần sụn chêm bị chấn thương.  
  • Khâu sụn chêm: Với trường hợp bị rách vùng giàu mạch máu nơi tiếp giáp với bao khớp, kích thước rách dọc khoảng 2cm, vết rách không quá 2 tháng thì sẽ dùng nội soi để khâu sụn chêm bị chấn thương.  
  • Thực hiện phục hồi chức năng sau mổ: Sau khi mổ trong thời gian 3 tuần thì chân sẽ được nẹp bất động, đối với trường hợp khâu sụn chêm thì sẽ cần thời gian bất động lâu hơn để liền sụn. Do vậy người bệnh cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng phù hợp với thể trạng sức khỏe. Nhờ đến sự hướng dẫn của những người có năng lực chuyên môn để nhanh chóng lấy lại được biên độ khớp và khỏe cơ hơn, chống teo cơ. 

Cách phòng ngừa chấn thương sụn chêm

Mọi người có thể dùng một số cách để phòng việc xảy ra các chấn thương sụn chêm như:

  • Khởi động kỹ trước khi tham gia thể thao.
  • Thực hiện các động tác trong lao động và sinh hoạt đúng tư thế.
  • Trong lao động hoặc vận động thể thao thì hạn chế vận động xoay và chuyển hướng đột ngột.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao phù hợp với thể trạng sức khỏe để tránh vận động quá sức và tăng cường dẻo dai của khớp gối. 
  • Tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị và phục hồi chức năng  khi bị các chấn thương khác tại khớp gối để tránh chấn thương sụn chêm.

Hy vọng những thông tin về bệnh chấn thương sụn chêm ở trên được các giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM chia sẻ đã giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về căn bệnh này và có cách phòng ngừa hữu hiệu tình trạng này. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nếu có thắc mắc.