Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên, tuy nhiên có các yếu tố làm gia tăng nguy cơ cao gây ra bệnh như: mức Cholesterol bất thường, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, trọng lượng cơ thể lớn và chế độ ăn uống không lành mạnh, người lớn tuổi, thường xuyên hút thuốc lá... Trong đó, hút thuốc lá, đái tháo đường và rối loạn lipid máu được xác định là các yếu tố nguy cơ mạnh nhất có liên quan chặt chẽ với bệnh lý động mạch ngoại biên.
Các đối tượng có khả năng cao mắc bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên như:
- Người trên 70 tuổi.
- Mắc bệnh lý đái tháo đường hoặc hút thuốc nhiều kèm theo đó là trên 50 tuổi.
- Mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, cao huyết áp và trên 50 tuổi.
Ngoài ra sẽ còn có nhiều nguyên nhân và yếu tố khác gây ra bệnh xơ vữa động mạch mà chưa được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh có thắc mắc hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết.
Triệu chứng nhận biết bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên
Có đến 1/2 các trường hợp khi mắc bệnh xơ vữa động mạch sẽ không có những triệu chứng nhận biết bệnh.
Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là các triệu chứng đau nhức, chuột rút và tê vùng bị tổn thương. Đồng thời cơ thể luôn cảm thấy khó chịu, da xah nhợt nhạt, không sờ thấy mạch đập ở dưới chân và có cảm giác đau, những vết loét sẽ rất lâu lành.
Người mắc bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên sẽ bị chuột rút, đau chân khi tập thể dục hoặc vận động và triệu chứng sẽ giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi. Vị trí cơ đau của người bệnh sẽ còn phụ thuộc vào vị trí của các động mạch bị tắc hoặc hẹp.
Dấu hiệu điển hình của bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên như:
- Ở vùng hông, đùi bị đau rút hoặc cơ bắp chân sau khi hoạt động như lúc đi bộ hoặc leo cầu thang.
- Chân thường xuyên bị tê hoặc yếu.
- Bị lạnh ở những vùng thấp của chân hay bàn chân, đặc biệt là khi so sánh với các chân khác.
- Ngón chân, bàn chân cảm thấy đau hoặc những vết thương ở chân sẽ lâu lành hơn.
- Màu sắc của chân chuyển màu da xanh nhợt nhạt, lạnh da…
- Xuất hiện triệu chứng rụng lông hoặc lông trưởng thành phát triển chậm hơn ở trên đôi chân.
- Móng chân cũng chậm phát triển hơn.
- Chân hoặc bàn chân mạch đập yếu, thậm chí không sờ thấy mạch.
- Nam giới bị rối loạn cương dương.
Trường hợp bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây ra đau đớn ngay cả khi đang nghỉ ngơi hoặc đang nằm. Các cơn đau có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, chỉ khi treo chân lên cao cạnh giường hoặc đi bộ quanh phòng mới có thể giảm đi cơn đau.
Danh mục về triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch chưa được liệt kê đầy đủ nên ngay khi gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các biến chứng của xơ vữa động mạch ngoại biên
Khi mắc bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên mà không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
Lở loét không lành – chấn thương hoặc nhiễm trùng tay hay chân do thiếu máu cục bộ chi.
Khi bị thương hoặc nhiễm trùng tiến triển và có thể dẫn đến chết tế bào và hoại tử, nghiêm trọng hơn sẽ phải cắt cụt chi bị thương.
Đau tim và đột quỵ: Xơ vữa động mạch ngoại biên sẽ khiến cho mảng chất béo cũng bám tụ trong động mạch cung cấp cho tim và não nên dễ dẫn đến các triệu chứng của bệnh đau tim hoặc đột quỵ.
Điều trị bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên
Tiến hành các biện pháp điều trị xơ vữa động mạch ngoại biên nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý trên hệ động mạch. Các phương pháp phổ biến trong điều trị xơ vữa động mạch ngoại biên:
- Biện pháp tái tưới máu / tái thông mạch máu: Các trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng nề và có kèm các biểu hiện thiếu máu chi mà không cải thiện được thì sẽ được chỉ định thực hiện biện pháp tái tưới máu.
- Tái thông mạch bằng đường ống thông hay can thiệp mạch máu qua da: bằng cách dùng các ống thông đưa qua da vào mạch máu, sử người ta sử dụng bóng nong và giá đỡ khung kim loại để đặt vào lòng mạch nhằm tái thiết lập khả năng lwuu thông vào mạch máu. Phương pháp này được khuyến cáo sử dụng trong phần lớn các trường hợp bệnh động mạch ngoại biên hiện nay nhất là với các trường hợp trước phẫu thuật cắt cụt và tạo chi giả.
- Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch: để cung cấp máu cho vùng chi thể phía dưới qua đoạn mạch được dùng thay thế thì biện pháp này sẽ cần sử dụng một đoạn mạch máu tự thân vị trí khác trên cơ thể hoặc một đoạn mạch nhân tạo được phẫu thuật viên ghép từ phía trên đoạn tổn thương tới phía dưới đoạn tổn thương (bypass).
Đồng thời thực hiện các phương pháp điều trị thì bệnh cũng cần thay đổi lối sống, thói quen để giảm nhanh các triệu chứng của bệnh hơn, cụ thể như:
- Thực hiện các biện pháp cai thuốc lá, thuốc lào, hạn chế tiếp xúc với các môi trường sử dụng thuốc lá thường xuyên.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh như bổ sung rau xanh, trái cây vào bữa ăn hàng ngày. Từ đó cũng giúp hỗ trợ điều chỉnh nồng độ lipid máu.
- Duy trì việc luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp với sức khỏe hoặc dưới sự giám sát của nhân viên y tế khoảng 3 - 4 lần/ tuần. Mỗi lần kéo dài trong khoảng từ 30 - 45 phút, căn cứ vào mức độ mắc bệnh và thể trạng sức khỏe mà đưa ra thời gian luyện tập phù hợp. Biện pháp này được khuyến cáo là có thể cải thiện các triệu chứng và khoảng cách đi bộ được tăng lên.
- Điều trị song song các phương pháp điều trị bệnh lý như đái tháo đường, huyết áp tăng cao... Đồng thời cần tư vấn đầy đủ các cách để kiểm soát chặt chẽ biến chứng nguy hiểm do bệnh lý gây ra.
- Trong trường hợp cần thiết thì sẽ sử dụng thêm thuốc giảm đau, các nhóm thuốc giãn mạch... tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.
- Các trường hợp bị hoại tử nặng, nguy cơ gây tổn thương toàn trạng có thể xem xét tới biện pháp cắt cụt chi.
Hy vọng qua thông tin chia sẻ của các giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn ở trên về bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên, từ đó bạn đọc có thêm nhiều kiến thức y khoa hữu ích. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.