Đề thi thử THPTQG 2020 môn Ngữ văn - THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển. Nội dung được Ban tư vấn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp chi tiết dưới đây:
Đề thi thử
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Ông ấy cũng giống như chúng ta” - đây là nhận xét của giới truyền thông phương Tây trong những ngày vừa qua về Bill Gates, người giàu thứ hai thế giới hiện nay với khối tài sản ước tính lên đến 96 tỉ USD.
Tờ Sydney Morning Herald thuật lại rằng, nhà đồng sáng lập Microsoft khi đến cắt tóc tại một cửa hàng ở Double Bay, thuộc ngoại ô Sydney, trong một chuyến thăm thành phố này đã xếp hàng như bao người khác. Đây quả là một thông tin khiến không ít người cảm thấy hiếu kì, vì trong tưởng tượng của hầu hết chúng ta, một đại tỷ phú như Bill Gates hẳn phải có thợ cắt tóc riêng, hoặc phải có những “đặc quyền, đặc lợi” khi đến bất cứ đâu, được ưu tiên, được cung phụng, vv và vv…
Thế nhưng, ông ấy vẫn xếp hàng như bao vị khách khác. Điều thú vị là khi vị tỉ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng ông có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: “Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu”. Bill Gates khiêm nhường thì đã đành, mà quy định của cửa hiệu cắt tóc này cũng rất rõ ràng. Họ coi mọi khách hàng đều bình đẳng như nhau. Đây hoàn toàn không phải là điều dễ gặp, khi mà đứng trước một nhân vật nổi tiếng, đầy quyền lực như Bill Gates, đâu phải ai cũng giữ được cách ứng xử điềm nhiên, sòng phẳng như người thợ cắt tóc kia!
(…) Có thể nhiều người có tiền mua burger hay cắt tóc nhưng không phải ai cũng khiêm nhường xếp hàng như Bill Gates. Ngược lại, không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates song vẫn có thể học được rất nhiều điều từ phong cách sống của ông: tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh! Trông người lại nghĩ đến ta.
(Theo Bích Diệp, - Ngẫm về sự giản dị của tỉ phú -)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Theo người viết, Bill Gates là tỉ phú có phong cách sống như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3: Việc tỉ phú Bill Gates 63 tuổi xếp hàng và hỏi người thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng lấy 1 tách cà phê được không thì được trả lời: “Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu” nói lên điều gì trong cách ứng xử của Bill Gates và người thợ cắt tóc? (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân từ văn bản trên? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ vấn đề được gợi ra ở phần đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về nhận xét sau: “Không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates song vẫn có thể học được rất nhiều điều từ phong cách sống của ông: tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh!”
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong bài “Cảm nghĩ về truyện Vợ chồng A Phủ ”, Tô Hoài viết:
“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt.”
(Tác phẩm văn học 1930- 1975, tập hai, NXB Khoa học xã hội, 1990, Tr. 71)
Hãy làm sáng tỏ nhận xét trên qua việc cảm nhận nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
----------------------HẾT--------------------
Đáp án đề thi thử THPTQG 2020 môn Ngữ văn - THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1
Phong cách ngôn ngữ của văn bản là chính luận/ Phong cách ngon ngữ chính luận.
Câu 2
Theo người viết: Bill Gates là tỉ phú có phong cách sống tôn trọng người khác, ứng xử lịch lãm, văn minh.
Câu 3
- Việc tỉ phú Bill Gates xếp hàng và hỏi anh thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng lấy một tách cà phê được không cho thấy cách ứng xử văn minh, tôn trọng người khác của Bill Gates.
- Câu trả lời của anh thợ cắt tóc: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu cho thấy anh thợ cắt tóc không chỉ tôn trọng người khác, tôn trọng những nguyên tắc ứng xử nơi công cộng, mà còn công bằng, không xu nịnh, không vì tiền bạc và quyền lực mà làm những việc trí với nguyên tắc ứng xử nơi công cộng.
Câu 4
Đề mở, các bạn có thể rút ra những bài học khác nhau, gợi ý một số ý sau:
- Tôn trọng người khác, ứng xử văn minh, lịch thiệp nơi công cộng.
- Sống giản dị, khiêm nhường.
- Học tập trau dồi tri thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức để bản thân trở thành người bình thường tử tế…
Phần II. Làm văn
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, hay tổng – phân – hợp.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Bàn về lời nhận xét: “Không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates song vẫn có thể học được rất nhiều điều từ phong cách sống của ông: tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh!”.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận để triển khai vấn đề cần nghị luận theo các cách khác nhau. Cần đảm bảo một số ý sau:
- Ý kiến nêu lên quan niệm về cách sống đẹp: tôn trọng người khác, ứng xử lịch lãm, văn minh.
- Ý kiến trên là một ý kiến đúng đắn vì đã nhắc nhở chúng ta về cách sống đẹp, tử tế.
- Có thể chúng ta không có khả năng kiếm thật nhiều tiền, trở thành người giàu có hay thành tỉ phú nổi tiếng như Bill Gates nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện cho mình cách sống đẹp như ông.
- Bàn luận:
+ Phê phán những người ứng xử thiếu lịch sự, kém văn minh….
+ Phê phán những người ỷ mình có tiền, có quyền lực cho phép mình được xúc phạm người khác, bắt mọi người phải nuông chìu theo ý thích của mình bất chấp luật lệ, kỉ cương…
- Bài học và liên hệ bản thân:
Cần học tập trau dồi cho mình cách sống đẹp: ứng xử văn minh, lịch lãm và biết tôn trọng người khác.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Có diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận.
Câu 2
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nhân vật Mị để làm sáng rõ nhận xét:
“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”
c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp
Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng
- Khái quát chung về tác giả và tác phẩm, trích dẫn ý kiến
- Giải thích ý kiến:
“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người.”. Điều kỳ diệu là những điều tốt đẹp đến như một phép màu. Sức sống tiềm tàng là sức sống nội tại ẩn chứa bên trong, nó sẽ bùng cháy khi gặp điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi mà mọi thế lực của tội ác cũng không thể nào giết được sức sống của con người. Đây vốn là một phẩm chất cao quý của con người Việt Nam.
“Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”: Cho dù rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, tủi nhục, tưởng chừng như Mị đã vô cảm, tắt lụi lòng ham sống nhưng sức sống của Mị vẫn tiềm tàng, mãnh liệt.
Ý kiến trên ca ngợi sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị.
- Phân tích nhân vật Mị:
Các bạn có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật một số ý sau:
+ Mị đã từng là cô gái trẻ đẹp, sống sôi nổi, có tài thổi sáo, thổi lá giỏi được biết bao nhiêu trai làng theo đuổi “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Mị mang nhiều vẻ đẹp trong tâm hồn: yêu lao động, giàu khát vọng tự do, một người con hiếu thảo…
+ Mị trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra và có cuộc sống tủi nhục, lay lắt đói khổ: Mị làm lụng vất vả, cực nhọc cả ngày, cả đêm…Mị có cuộc sống thống khổ còn hơn trâu, ngựa bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn.
+ Ban đầu Mị còn phản kháng, đã từng muốn chết nhưng về sau, Mị dần tê liệt về tinh thần, mất hết ý thức phản kháng: “Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”.
+ Mị trở nên câm lặng, lầm lũi, cam chịu; lòng Mị chai sạn, vô cảm, sống như một cái bóng vật vờ, lặng lẽ mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
+ Điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực đớn đau, Mị vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng mãnh liệt: Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm cởi trói A Phủ để thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt, lòng khao khát cuộc sống tự do của Mị.
- Nghệ thuật: miêu tả tâm trạng, hành động nhân vật, lựa chọn chi tiết độc đáo, ngôn ngữ kể chuyện, dẫn chuyện lôi cuốn…
- Đánh giá ý kiến:
Hình ảnh của của Mị chứa đựng một sức sông tiềm tàng, mãnh liệt đúng như lời nhận xét của nhà văn Tô Hoài. Có những lúc tưởng chừng ngọn lửa khát khao sự sống bị kẻ thù dập tắt nhưng ngọn lửa ấy, khát vọng sống ấy vẫn không bao giờ tắt và không có gì có thể dập tắt được. Từ vô cảm, chai sạn tưởng, nhừng như đã chết, Mị đã vùng đứng lên phản kháng để tìm đến cuộc sống tự do. Qua nhân vật Mị nhà văn Tô Hoài đã góp một tiếng nói nhân văn cao đẹp bênh vực quyền sống cho người lao động miền núi dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn địa chủ tay sai.
d. Sáng tạo
Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện sự tinh tế, khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
---------- HẾT --------------