Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là kiến thức lớp 12, đảm bảo kiểm tra bao quát kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học.
Mời các bạn theo dõi đề thi tốt nghiệp THPT 2011 môn Địa lý dưới đây:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (Đề thi chính thức) |
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2011 |
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (8,0 điểm)
Câu I. (3,0 điểm)
1. Trình bày hoạt động của gió mùa Đông Bắc và ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta.
2. Cho bảng số liệu: Lao động có việc làm của nước ta (nghìn người)
(Theo Niên giám thống kê 2008, 2009 – NXB Thống kê)
a) Dựa vào bảng số liệu, hãy tính tỉ trọng của khu vực I (nông – lâm – thuỷ sản) trong cơ cấu lao động có việc làm cả nước năm 2000 và năm 2009.
b) Vì sao có sự thay đổi tỉ trọng của khu vực I trong cơ cấu lao động có việc làm cả nước năm 2009 so với năm 2000?
Câu II. (2,0 điểm)
Cho bảng số liệu: Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp nước ta phân theo thành phần kinh tế (%)
(Theo Niên giám thống kê 2009 – NXB Thống kê)
1. Vẽ biểu đồ miền thể hiện sự thay đổi cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo bảng số liệu trên.
2. Nhận xét về cơ cấu và sự thay đổi cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế nước ta từ năm 2005 đến năm 2008.
Câu III. (3,0 điểm)
1. Sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:
a) Kể tên các ngành của mỗi trung tâm công nghiệp sau: Biên Hoà, Vũng Tàu.
b) Cho biết tại sao trong quá trình phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường?
2. Trình bày thế mạnh về tự nhiên và hiện trạng phát triển cây chè của Trung du và miền núi Bắc Bộ.
II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (2,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IV.a hoặc câu IV.b)
Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Tóm tắt những thuận lợi và khó khăn về tự nhiên trong việc phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới của nước ta.
Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Tóm tắt những thuận lợi và khó khăn về điều kiện kinh tế – xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp của Đồng bằng sông Hồng.
Nhận xét về môn thi địa lý năm 2011
Đồng hành cùng với việc chia sẻ về đề thi, đáp án trong kỳ thi thì Ban tư vấn tuyển sinh trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm và các thí sinh dự thi:
Đúng 9g5 phút đã kết thúc thời gian làm bài của môn địa. Theo các thí sinh, ngày thi thứ hai được xem là ngày "dễ thở" nhất trong suốt kỳ thi vì buổi sáng thi địa, buổi chiều thi Sinh vật - cả hai môn đều khá nhẹ nhàng với thời gian làm bài chóng vánh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã bước sang ngày thi thứ hai nhưng tại một số Hội đồng thi trên địa bàn TP.HCM, vẫn còn tình trạng quên chứng minh nhân dân, mang điện thoại vào phòng thi... dù không nhiều như ngày thi đầu tiên.
Tại TP.HCM, kết thúc buổi thi môn Địa lý, nhiều thí sinh tại hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM cho biết đề “dễ thở”, nằm trọn trong chương trình, không đánh đố.
Em Hoàng Thị An, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: “Đề khá dễ, phần tự chọn vẫn là dạng đề tóm tắt thuận lợi và khó khăn, là dạng học sinh đã được ôn tập rất kỹ cả về cả về nội dung lẫn cách diễn đạt.
Câu sử dụng Atlat địa lý dễ kiếm điểm và phần biểu đồ cũng không đánh đố. Với đề bài này theo em những bạn ôn tập phần lý thuyết tốt sẽ có điểm cao”.
Trong khi đó, thí sinh Hải Anh cũng ở hội đồng thi này cho biết: “Câu biểu đồ em làm tốt nhưng những câu phân tích, nhận xét em không đủ thời gian để viết kỹ nên chỉ tóm tắt sơ lược”.
Còn thí sinh Nguyễn Hoàng Dũng, học sinh trường THPT Ngô Quyền (Q.7) tự tin nói: “Đề thi tốt nghiệp môn Địa năm nay, các câu hỏi phần lớn thiên về suy luận, giải thích và tính toán. Yêu cầu thí sinh chỉ cần hiểu và có Atlat trong tay, biết suy luận cũng đã làm được hơn hơn 6 điểm rồi”.
“Như câu III (3 điểm) yêu cầu thí sinh sử dụng Atlat để tìm các ngành của mỗi trung tâm công nghiệp: Biên Hòa và Vũng Tàu… hay nêu những điều kiện thuận lợi và khó khăn của tự nhiên trong việc phát triển nên nông nghiệp nhiệt đới… cùng với câu biểu đồ miền là tụi em dễ dàng đạt được 5 điểm” thí sinh Trần Nguyễn Quốc Dũng thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM) cho biết.
Thầy Hồ Nghĩa Bình, giáo viên Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM, đánh giá: “Đề thi môn địa năm nay có nội dung bao quát được chương trình học của học sinh, ra đầy đủ các dạng câu hỏi. Cách ra đề cũng có hướng “mở”, đòi hỏi các em phải vừa thuộc bài, vừa biết vận dụng kỹ năng, bao quát và suy luận để làm bài. Nói chung cách ra đề năm nay hay, có sự phân hóa rõ”.
Ở hội đồng thi hệ giáo dục thường xuyên, thí sính ra khỏi phòng thi cũng cho biết đề Địa lý năm nay không quá khó, chỉ cần ôn bài tốt là đạt điểm cao, đề không yêu cầu suy luận nhiều. Em Cường, học viên trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, thi tại Hội đồng thi THCS Colette, quận 3, cho biết: “Đề này đa số các bạn đều làm được nhưng phần biểu đồ nếu không tính toán tỷ lệ kỹ thì sẽ dễ sai”.
Một thí sinh khác cho biết: “Do chiều hôm qua môn vật lý khó, nhiều bạn làm không tốt nên sáng nay mất tinh thần. Tuy vậy đề địa lý hôm nay vừa sức, chỉ yêu cầu trả lời những vấn đề trong chương trình, không cần suy luận hay liên hệ nhiều”.
Theo cô Trần Thị Thái - tổ trưởng tổ Địa lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân, đề thi môn Địa lý năm nay khá hay, có hơn 50% nội dung yêu cầu thí sinh phải vận dụng kỹ năng tính toán và suy luận. Phần nội dung dành cho việc học bài tuy chỉ chiếm gần 50% nội dung đề thi nhưng cũng không hẳn học thuộc lòng là làm được mà phải học hiểu.
So với đề thi năm trước, đề thi môn địa năm nay “dễ thở” hơn nhưng vẫn phân hóa được học sinh. Tuy số học sinh đạt từ 5 - 7 điểm sẽ rất nhiều nhưng phải là những học sinh thực sự xuất sắc mới có thể đạt 9 - 10 điểm và tôi cho rằng số điểm 9 - 10 sẽ hiếm hoi.
Trong từng câu hỏi, nếu thí sinh không cẩn thận rất dễ mất điểm. Bởi vì tâm lý nhiều học sinh thường học vẹt, khi vào phòng thi thấy có câu hỏi liên quan đến phần bài học là cắm cúi ghi ra hết, làm bài theo kiểu “học nhiêu làm nhiêu” chứ không phải đề thi hỏi gì thì trả lời trúng cái đó.
Theo tôi thì đề thi năm nay là có hướng đổi mới, được giáo viên và học sinh đồng tình, vì thí sinh không phải học thuộc lòng quá nhiều, cứ học - hiểu là làm bài tốt.
Cô Châu Thị Nguyệt - Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn cho biết đối với môn Địa lý (THPT), nội dung đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa Địa lí 12, có sự kết hợp hài hòa giữa lí thuyết và thực hành. Nội dung các câu hỏi nằm trong cấu trúc đề thi của cục khảo thí. Đề thi phù hợp với đa số học sinh, nhưng rất khó để đạt điểm 10. Đề năm nay dễ hơn năm trước, nên tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên sẽ cao.
Một số câu hỏi đòi hỏi phải biết phân tích và tổng hợp, phải biết chọn lựa nội dung thích hợp với câu hỏi của đề bài. Câu hỏi dành cho chương trình nâng cao và chương trình chuẩn là tương đương nhau. Câu III của phần 1.b là một câu khó đối với học sinh, câu này đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học mới có thể trả lời đầy đủ các ý của câu này.
Tại Hà Nội, ngoài điều kiện thời tiết thuận lợi, thí sinh Hà Nội ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Ngày hôm nay được coi là nhẹ nhàng nhất trong ba ngày thi tốt nghiệp vì cả hai môn thi đều có thời gian làm bài ngắn.
Nhận xét về đề thi tự luận môn Địa lý, thí sinh Ngọc Dũng, HS lớp 12 chuyên Hóa trường THPT Amsterdam cho rằng “Đề thi bình thường, không quá dài, chúng em đủ thời gian để hoàn thành bài thi”.
Đánh giá chi tiết hơn, thí sinh Vân Khanh, HS lớp chuyên Anh khối phổ thông chuyên ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét “Đề không hay, có nhiều câu hỏi chi tiết quá nên khiến chúng em có cảm giác đề nghiêng về kiểm tra kiến thức hơn là khả năng vận dụng hay tổng hợp kiến thức. Các câu hỏi chia nhỏ và về nhiều nội dung khác nhau có thể thuận lợi cho thí sinh “gỡ” điểm, nếu không làm được phần này cũng có thể gỡ lại bằng phần khác. Nhưng nó cũng làm cho chúng em thấy khi làm bài hơi lắt nhắt”. Theo Vân Khanh, với đề thi này “có thể dễ đạt được 5-6 điểm nhưng để đạt điểm thật cao từ 8 trở lên thì hơi khó”.
Thí sinh Vân Anh, HS trường THPT Chu Văn An cũng cho rằng “các câu hỏi của đề thi Địa lý năm nay không khó, có mức độ yêu cầu để hoàn thành bài thi cũng phù hợp với thời gian làm bài nhưng đề không hay, hỏi đến nhiều nội dung quá chi tiết. Em và các bạn trong phòng thi đều mất nhiều thời gian nhất cho câu hỏi đầu tiên dù cả câu này chỉ được có 3 điểm”.
Đặng Huyền Trang, HS khối chuyện trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là thí sinh dự thi khối C tự ước lượng bài làm môn Địa lý của mình sẽ được khoảng 8 điểm vì “Đề thi đề cập đến phạm vi kiến thức rộng quá, hỏi đến kiến thức liên quan đến cả ba miền. Cách hỏi nghiêng về kiểm tra học thuộc, ghi nhớ nhiều nên thí sinh có sở trường môn Địa lý cũng có ít đất để thể hiện. Với các câu hỏi trong đề thi năm nay, học sinh rất dễ trình bày bị thiếu ý, mất điểm lẻ”.
Đề Địa lý năm nay vừa sức đối với học sinh trung bình, nhưng nếu chỉ học vẹt thì sẽ khó có thể đạt điểm khá, giỏi. Đề thi có những câu kiểm tra kiến thức tổng hợp, cũng có những câu hỏi rất cụ thể đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức và hiểu.
Đúng như dự đoán, những câu hỏi yêu cầu kỹ năng tính toán, kỹ năng thực hành chiếm tỷ lệ tương đối nhiều. Thí sinh ngoài việc ghi nhớ phải biết cách vận dụng kiến thức, căn cứ vào các dữ liệu cho sẵn để phân tích, nhận xét, có kỹ năng vẽ biểu đổ, kỹ năng khai thác Atlat Địa lý (câu 1, 2, 3). Riêng trong câu 3 có một câu nhỏ được hỏi theo hướng mở. Đề yêu cầu “ cho biết tại sao trong quá trình phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường” .
Để làm được câu này thí sinh phải nắm được kiến thức trong chương trình kết hợp với hiểu biết thực tế. Đề tài “Bảo vệ môi trường” cũng đang là vấn đề được quan tâm trong đời sống hiện đại.
===>> Click để xem đáp án môn Địa Lý của Bộ GD&ĐT năm 2011: Tại đây!!