Hệ Đại học tại chức là gì?
Hệ đại học tại chức là một hình thức đào tạo cho phép những người đang đi làm có thể nâng cao kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp hoặc cho những người muốn đi học thêm một ngành nghề khác với nghề hiện đang làm. Chương trình đào tạo của hệ tại chức cũng giống như với hệ chính quy nhưng thời gian học chủ yếu vào buổi tối hoặc cuối tuần để tránh khoảng thời gian đi làm.
Hệ Đại học tại chức dành riêng cho những người hiện đang đi làm
Tìm về nguồn gốc của hệ tại chức thì đây là một chính sách của nhà nước sau giải phóng, dành cho các cán bộ đã bỏ ngang việc học để xung phong đi lính, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa và có giá trị. Thế nhưng, ngày nay việc học tại chức đang dần bị “biến tướng”, thường được coi là “phi chính quy” và không được nhiều doanh nghiệp coi trọng.
Tại sao bằng Đại học tại chức lại bị so sánh?
Thực tế, nước ta vẫn còn là một xã hội vô cùng coi trọng bằng cấp. Nên để được công ty coi trọng và có cơ hội thăng tiến cao, sở hữu được một tấm bằng đại học là điều cần thiết. Thế nhưng đây lại là nguồn cầu không chính thức, bởi nhiều người học hệ tại chức không phải muốn nâng cao kiến thức hay trình độ tay nghề mà mục đích chỉ là có được tấm bằng. Họ sẽ không muốn lên lớp thường xuyên để nghe giảng bài, làm bài tập, nghiên cứu… mà chỉ cần điểm mặt, ghi tên trong lớp, thậm chí nhờ người học hộ, rồi quan hệ với giáo viên để mua điểm…
Từ nguồn cầu này sinh ra các nguồn cung cũng không chính thức. Các cơ sở đào tạo đại học tại chức sẽ dựa vào đây để trục lợi, tạo mọi “điều kiện” cho người học, miễn là có lợi nhuận như: không có kỷ luật nghiêm túc, không đòi hỏi chất lượng học tập, kiểm tra đánh giá dễ dãi… Thậm chí còn mua bán điểm công khai. Nhiều phần trong quá trình học tập được lược bỏ… Cốt sao cho thu hút nhiều học viên và kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Hệ quả là, dù có bằng đại học, nhưng người học thực chất không hiểu biết thêm được một chút nào về lĩnh vực mà mình đang công tác. Do đó, đào tạo tại chức được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng gắn mác không đảm bảo chất lượng, và họ không tuyển những người học tại chức.
Giá trị thực của tấm bằng tại chức như thế nào?
Trước đây, giữa bằng đại học chính quy và bằng tại chức có sự phân biệt rõ ràng, hệ tại chức có ghi rõ thông tin là bằng tại chức. Nên rất dễ dàng nhận biết giữa hai hệ đào tạo. Nhưng vào cuối năm 2018, Quốc hội đã ban hành một luật mới, quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị như nhau, không phân biệt giữa hai loại đào tạo. Như vậy, nếu các công ty muốn tuyển dụng được những người nhân viên chất lượng thì cần thay đổi các tiêu chí tuyển dụng, nhất là với yêu cầu bằng cấp.
Bằng tại chức có giá trị tương đương bằng đại học chính quy
Việc học tại chức thực chất mang lại rất nhiều lợi ích cho những người đi làm. Họ vừa có thể nâng cao năng lực để tìm kiếm những công việc mới tốt hơn, có nhiều điều kiện phát triển và thăng tiến hơn. Thời gian học lại không ảnh hưởng đến giờ làm. Nhưng chính những việc đào tạo lỏng lẻo, thiếu kiểm soát lại làm cho giá trị của tấm bằng và chính những người học tập nghiêm túc bị đánh giá thấp.
Dù nói vậy, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển sang tuyển dụng nhân viên bằng năng lực chứ không nhất thiết phải có bằng cấp. Nên việc đi học thêm cũng rất có ích cho các bạn sau này.
Trên đây là một số chia sẻ về hệ đại học tại chức cùng tấm bằng tốt nghiệp của nó. Hi vọng bài viết sẽ mang đến cho các bạn những thông tin đa chiều và bạn sẽ có lựa chọn phù hợp cũng như đúng đắn nhất cho bản thân.