Niềm tin
chạm thành công !
096.152.9898 - 093.851.9898

Bậc thầy của “tiên dược” Berberin từng to gan bảo nhà bác học nổi tiếng thế giới sai

Cập nhật: 19/08/2019 10:34 | Nhâm PT

Dược sĩ Phan Quốc Kinh, cha đẻ của thuốc Berberin, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền Y Dược nước nhà đã từ trần vào ngày 16/8. Ông ra đi để lại niềm xót thương cho biết bao thế hệ. Con đường làm nghiên cứu khoa học của ông có nhiều niềm vui và nỗi buồn cũng không ít.

Bậc thầy của “tiên dược” Berberin từng to gan bảo nhà bác học nổi tiếng thế giới sai

Berberin được coi là “thần dược” chữa bệnh lỵ hiệu quả nhất công hiệu nhất, luôn có mặt trong tủ thuốc của các gia đình Việt Nam dù trên thị trường hiện nay có rất  nhiều loại thuốc hiện đại. 

TS Phan Quốc Kinh chính là cha đẻ của berberin cùng hàng chục loại thuốc khác

TS Phan Quốc Kinh chính là cha đẻ của berberin cùng hàng chục loại thuốc khác

Nửa thế kỷ trước, căn bệnh bệnh tiêu chảy, kiết lỵ này là đại dịch mà Việt Nam phải đối mặt. Khi ấy, Berberin (loại thuốc từ 100% cây cỏ tự nhiên) đã cứu sống sinh mạng nhiều người dân. Vào năm 1970, khi đất nước ta vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn, thiên tai hoành hành, bệnh dịch bùng phát, đặc biệt là bệnh lỵ. Các kho khi ấy đều không còn thuốc, cũng không thể nhập được thuốc từ nước ngoài do bị bao vây. Ở miền Bắc, nhiều người bị tiêu chảy liên tục kiệt sức rồi tử vong.

“BV Thái Nguyên lúc đó, 70 người nhập viện vì bệnh lỵ thì có đến 35 người chết. 2 đơn vị đầu ngành là Tổng kho dược phẩm TƯ và BV Việt Đức thông báo hết thuốc và không thể nhập khẩu do máy bay, tàu thủy của quân đội Mỹ liên tục bắn phá, ta bị bao vây mọi phía".

Các GS, nhà y học, dược học hàng đầu đã triệu tập cuộc họp khẩn đã bàn biện pháp dập tắt dịch lỵ. Vấn đề được đặt ra là phải tự sản xuất thuốc trong nước càng sớm càng tốt.

 Lúc này, TS Phan Quốc Kinh mới 35 tuổi, đứng lên thay mặt cho ĐH Y Dược xin nhận nhiệm vụ. GS Hồ Đắc Di băn khoăn: “Thuốc các anh làm ra liệu có tốt bằng thuốc của phương Tây không?”. TS Kinh khẳng định chắc nịch: “Thầy cứ giao cho chúng em, bọn em hứa sẽ tìm ra loại thuốc đó sớm nhất”. “Cho tôi thử, cho tôi thời gian, tôi sẽ có hàng chục triệu viên thuốc chữa dịch lỵ”. Câu nói đầy tự tin của nhà nghiên cứu trẻ chưa có tên tuổi khi đó cũng khiến nhiều người nghi ngờ, thậm chí cho là gàn dở. Không bận tâm đến sự gièm pha, S Phan Quốc Kinh tập trung bào chế thuốc.

Nhóm nghiên cứu được thành lập gồm 20 người đã cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên đi khắp các làng xã ở miền núi, đồng bằng miền Bắc. Cứ 2 người một xã đến sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc dân gian của các ông lang. 

Sau 10 ngày, hàng trăm bài thuốc nam điều trị lỵ được đưa về. Nhóm của ông Phan Quốc Kinh đã chọn ra hơn 20 cây thuốc có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ. Bắt tay ngay vào việc thu hái dược liệu ở Sa Pa (Lào Cai), nhóm chế ra được 2 loại thuốc: Codanxit, Berberin clorid.

Tìm ra thuốc dập tắt dịch lỵ sau 3 tháng

Sau 3 tháng, với sự nỗ lực của nhóm các nhà khoa học Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… Dược sĩ Phan Quốc Kinh đã nghiên cứu thành công thuốc dập bệnh lỵ.

Cụ thể, 2 loại thuốc đó là Berberin (chiết xuất từ hoàng liên gai, hoàng bá) và Codanxit (chiết từ cây hoằng đằng và cỏ sữa lá lớn), có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây bệnh và chống lại amip gây dịch lỵ.

Giáo sư Tôn Thất Tùng khi đó đã sử dụng cho bệnh nhân ở bệnh viện Việt Đức và trên chính bản thân ông, kết quả đều rất tốt. GS đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định thuốc hiệu quả, không độc. Ngay lập tức, hai loại thuốc trên đã được sản xuất hàng loạt ở quy mô rộng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ và dập tắt dịch lỵ.

Nhờ 2 loại thuốc này, dịch lỵ ở miền Bắc đã được dập tắt. Sau này, khi được tham gia báo cáo về các hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam tại trường ĐH Hoàng đế London (Anh), TS Phan Quốc Kinh đều không quên nói về việc dập tắt dịch lỵ bằng thuốc Berberin được bào chế từ cây cỏ Việt Nam. Câu chuyện của ông đã làm cả hội nghị kinh ngạc đến khó tin khi chỉ với một USD lúc bấy giờ có thể mua được cả nghìn viên Berberin.

Berberin là hoạt chất được chiết từ cây hoàng đằng (còn có tên vàng đắng, hoàng liên, tên khoa học là Coptis teeta). Nó được xem là một loại kháng sinh thực vật có tác dụng với bệnh lỵ trực khuẩn (do vi khuẩn gây nên) và lỵ amib (do một loại đơn bào ký sinh trùng gây nên). Ngoài ra, berberin còn có tác dụng làm tăng tiết mật, giúp tiêu hóa tốt.

Công dụng của thuốc chứa berberin dùng để trị hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn, lỵ amib, viêm ruột, tiêu chảy. Berberin còn được dùng để bào chế thuốc nhỏ mắt (nhiều biệt dược nhỏ mắt do nước ngoài sản xuất có chứa berberin như: Berberil, Kollyr, Sedacollyre...).

TS Phan Quốc Kinh lúc sinh thời

TS Phan Quốc Kinh lúc sinh thời

Trong suốt quãng thời gian cống hiến cho nền Y Dược học nước nhà, Dược sĩ Phan Quốc Kinh và các cộng sự đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất gần 20 loại thuốc từ nguyên liệu Việt Nam được sử dụng rộng rãi và có công dụng hiệu quả. Ông còn là tác giả và đồng tác giả của hơn 20 loại thuốc như như: lá và tâm sen kết hợp với cây bình vôi tạo ra thuốc an thần (là người đầu tiên trên thế giới công bố năm 1972); thuốc rheumatin từ rắn biển (công bố đầu tiên trên thế giới); các loại thuốc chữa mau lành vết thương từ rau má, các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu… Dược sĩ Phan Quốc Kinh còn là nhà phản biện khoa học chính xác về một số đề tài nghiên cứu dược phẩm ở trong nước, như đề tài nghiên cứu các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu, điều chế các prostaglandin từ san hô mềm,…

Dược sĩ Phan Quốc Kinh còn có vinh dự được phân công bào chế thuốc bổ, tăng cường sinh lực cho lãnh tụ Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane, giúp đỡ ngành Dược Campuchia sản xuất thuốc Berberin từ cây vàng đắng. Nhiều công trình nghiên cứu của Tiến sĩ đã được công bố trong các tạp chí khoa học của Liên Xô, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ…

Dược sĩ Phan Quốc Kinh từng bảo nhà bác học nổi tiếng thế giới sai

TS-DS Phan Quốc Kinh sinh năm 1937 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học giỏi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, nhưng ông cũng rất mê thơ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ. Năm 1954, ông học tại khoa Dược, Đại học Y - Dược Hà Nội (tiền thân của Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Hà Nội hiện nay).

Chọn học dược, chàng trai trẻ quê Hà Tĩnh đã trải qua thời sinh viên đầy vất vả bằng nhiều nghề như cắt tóc, thỉnh thoảng đi dạy thêm. Dù nghèo nhưng dược sĩ Kinh cực kỳ chịu khó trong việc học và vượt qua hoàn cảnh. Tiền kiếm được từ việc cắt tóc thuê ở bến xe Kim Liên, anh chắt chiu từng đồng để giúp người bạn ở cùng mình và bản thân học tiếp.

Năm 1963, ông đi du học tại Liên Xô. Sau đó 3 năm, khi trở về nước, ông nhận công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Dược Hà Nội. Ông có thể sử dụng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh) và nghiên cứu cây thuốc Nam. Trong thời gian sang Liên Xô du học, ông cũng mang theo củ bình vôi để nghiên cứu và phát hiện ra nhà khoa học Nhật Bản Kondo đã sai khi công bố củ bình vôi có hoạt chất chính là rotundin với cấu trúc hóa học 3 vòng. Theo nghiên cứu của ông, hoạt chất chính của củ bình vôi phải là tetrahydropalmatin với cấu trúc 4 vòng.

Khi trở về Việt Nam, ông mang nghiên cứu này báo cáo kết quả này với Bộ Y tế thì không nhận được sự đồng tình. Họ bảo ông to gan, dám bảo nhà bác học nổi tiếng thế giới sai, rằng kết luận của ông là vớ vẩn, không có căn cứ chứng minh và rất có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.
 
Tuyệt nhiên, ông không hề lung lay, ông tự tin đáp lại: “Tôi chắn chắn kết quả nghiên cứu của tôi là đúng và sẽ được đăng trên các tờ báo nước ngoài”. Quả vậy, ít lâu sau, các báo của Liên Xô đăng thông tin về kết quả nghiên cứu của Phan Quốc Kinh và ngay cả tờ “Các hợp chất thiên nhiên” của Nhật Bản cũng đăng tải. Ông có khả năng phản biện không biết ngợp dù rằng phản biện của mình đang đi ngược lại với đa số mọi người. Ông đã có nhiều phản biện nổi tiếng về đề tài thuốc prostaglandin từ san hô mềm, về các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu…
 
Dược sĩ Phan Quốc Kinh dành cả đời để nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên năm cuối trường Đại học Y dược Hà Nội
 
Dược sĩ Phan Quốc Kinh dành cả đời để nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên năm cuối trường Đại học Y dược Hà Nội
 
TS-DS Phan Quốc Kinh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về nghiên cứu khoa học năm 1975, đồng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế.
 
GS-TS Trần Mạnh Bình - nguyên giảng viên Đại học Dược Hà Nội chia sẻ: "TS Phan Quốc Kinh đã sống một đời thanh bạch. Tôi biết rằng hồi nghiên cứu thuốc chữa dịch lỵ, anh cần bao nhiêu tiền để nghiên cứu mà nếu đề xuất chắc chắn sẽ được cung ứng ngay, nhưng anh không hề xin một xu nào. Người ta cấp xe cho, anh cũng không nhận mà chỉ gắn bó với chiếc xe đạp đã cũ”.
Còn GS-TS Nguyễn Lân Dũng - Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết: “Tôi quen TS-DS Phan Quốc Kinh từ hồi ông còn là sinh viên ở Việt Nam, lúc nào tôi cũng thấy ông trăn trở về cây thuốc Việt Nam. Ông là một người có tài và có tâm, một trong những nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam lấy sự cống hiến làm lẽ sống và niềm vui của mình. Không chấp nhận thói xấu trong khoa học và trong quản lý, TS Kinh có tinh thần đấu tranh rất mạnh để bảo vệ lẽ phải, góp ích cho đời”.