Bệnh nhi là em N.T.H.V., (13 tuổi, trú tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, chân tay lạnh, lừ đừ,…do uống 40 viên thuốc paracetamol tự tử.
Bé N.T.H.V. nguy kịch do uống 40 viên thuốc Paracetamol 500mg
Theo lời kể của gia đình được biết, khoảng 20h ngày 12/8, V. đã tự uống 40 viên thuốc paracetamol 500mg (thuốc gia đình mua để ở nhà uống trị nhức đầu cảm cúm). Sau 2 giờ uống thuốc em chóng mặt, buồn nôn, mệt, nhắn tin cho ba. Ngay lập tức, em V. đã được được ba đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu lúc 23h cùng ngày.
Tại đây em được các bác sĩ rửa dạ dày, cho uống than hoạt nhưng tình trạng diễn tiến không thuận lợi. Nhận thấy em V. tiếp tục diễn tiến xấu, lừ đừ mệt, nôn ói, xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao gần 1000 đv/L (bình thường < 40-50 đv/L) nên đã lập tức chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu, điều trị.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, tăng thải và truyền thuốc giải độc tính Paracetamol tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tình trạng bệnh nhi được cải thiện, men gan giảm đáng kể, tỉnh táo và đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Khi tỉnh dậy, bệnh nhi này cho biết em uống thuốc tự tử vì có xin ba cho đi nối tóc nhưng không được phép, vì buồn giận ba nên V. tự lấy thuốc trong nhà để uống.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Hồi sức Tích Cực bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khuyến cáo, giai đoạn vị thành niên, dậy thì là khoảng thời gian trẻ phát triển và thay đổi tâm sinh lý rất nhiều. Vì vậy mà trẻ cần được quan tâm, giải thích tận tình của phụ huynh, tránh đánh mắng và ép buộc gây xáo trộn tâm lý trẻ, đưa trẻ đến với những suy nghĩ nông cạn, bồng bột, hành động nguy hiểm đến tính mạng.
Paracetamol là một thuốc hạ sốt thông thường nhưng có thể gây ngộ độc nặng, tổn thương gan nặng nề nếu sử dụng không đúng chỉ định, đúng liều. Do đó, việc người bệnh sử dụng đúng liều lượng paracetamol rất quan trọng.
Mới đây, một bệnh nhi ở Phú Thọ ngộ độc, hỏng gan do bị sốt cao, gia đình cho uống thuốc hạ sốt paracetamol 500 mg 4 ngày liền. Bé nhập viện trong tình trạng sốt 38 độ, khó thở, lơ mơ, mệt lả, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2 cm. Trước đó cũng đã từng có rất nhiều vụ ngộ độc paracetamol cũng đã xảy ra, gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng cho người bệnh như suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, đã có trường hợp tử vong do ngộ độc paracetamol.
Không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc paracetamol
Trẻ em từ 2 đến 12 tuổi nếu sốt cao trên 38,5 độ, có thể sử dụng liều paracetamol là 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi lần cách nhau từ 4-6 tiếng và tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều vì nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Người lớn khi bị sốt cao, nên uống 1 viên 500mg/lần, không sử dụng quá 4 viên/ngày. Lưu ý ngoài uống thuốc cha mẹ nên tích cực chườm khăn, uống nhiều nước để nhanh giảm sốt nếu không đỡ thì nên đến viện.
Theo Bác sĩ Phan Hồng Sáng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Trung tâm Sản Nhi, cho biết tình trạng trẻ dùng quá liều thuốc hạ sốt paracetamol gây ngộ độc rất nghiêm trọng, phụ huynh khi thấy con sốt cao, ho cần phải bình tĩnh xử lý và đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám và dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng hướng dẫn, không được tự ý cho bé dùng thuốc.
Đối với các bà mẹ cho con bú, đang mang thai khi dùng thuốc phải được sự chỉ định của bác sĩ điều trị vì một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ bú sữa mẹ. Khi quá liều Paracetamol Cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.