Cảm nắng, say nắng
Khi nhiệt độ lên đến 38 – 39°C, hiện tượng thường hay gặp nhất là cảm nắng ở cả người lớn và trẻ em. Cơ thể bị mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người.
Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nhiều cơ quan, hộ gia đình mở máy lạnh, quạt máy hết công suất để hạ nhiệt. Điều này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa môi trường trong phòng kín và ngoài đường (gần 15°C).
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng có thể khiến nhiều người bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng.
Cách phòng tránh:
- Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng nhất (thường từ 12 giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều)
- Nên đội mũ và mặc quần áo dài, tránh ánh nắng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể.
- Uống nhiều nước. Nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày và có thể nhiều hơn trong những ngày nắng nóng, oi bức.
- Ăn nhiều thực phẩm trị say nắng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả
Bạn nên làm mát cơ thể một cách tối đa trước khi ra ngoài, lý do là khi đi ra ngoài thì lượng nhiệt quanh cơ thể sẽ không bị tăng quá nhanh. Một trong những cách hạ nhiệt cơ thể tốt nhất là tắm, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy sảng khoái và lấy lại được tinh thần minh mẫn.
Bệnh về hô hấp
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em.
Ngoài ra, với nhân viên văn phòng, do ngồi lâu trong môi trường điều hòa, khi ra ngoài nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang. Đặc biệt, để giảm bớt cái nóng, mọi người thích uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến bệnh về đường hô hấp.
Khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể với sự thay đổi nhiệt độ ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm thường kém hơn nên cần phải phòng chống tác hại nắng nóng tốt hơn.
Cách phòng tránh:
- Tránh tiếp xúc với chất kích thích như khói thuốc lá, mang khẩu trang khi ra trường và tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hơi mạnh.
- Ăn uống đầy đủ, đặc biệt là rau xanh nhằm cung cấp đủ vitamin giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
- Uống nước đủ là một cách bù trừ cho tình trạng mất nước qua đường hô hấp, qua da vào môi trường lạnh và khô.
- Tiêm ngừa vắc xin giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
- Đi khám chuyên khoa hô hấp khi thấy các dấu hiệu bất thường để điều trị đúng và kịp thời và tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.
Bệnh về đường tiêu hóa
Trong tiết trời nóng ẩm, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 - 38o C.
Trong mùa nắng, ruồi, muỗi, chuột, gián cũng phát triển nhiều hơn nên dễ làm lây lan các mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống. Trời quá nóng, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém đi nên gây chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, khiến cơ thể mệt mỏi, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi. Điều này gây ra những bệnh như sốt virus, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da...
Cách phòng tránh:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng
- Tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Hạn chế làm việc quá sức, luôn giữ cho tinh thần được thư giãn, giảm căng thẳng sẽ giúp dạ dày và hệ miễn dịch hoạt động khỏe mạnh.
Bệnh tim mạch
Nắng nóng gay gắt không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước và có thể gây ra tình trạng thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ.
Cách phòng tránh:
- Những người có bệnh tim cần sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết.
- Hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ và nên uống nhiều nước.
- Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với những người bị chứng co thắt mạch
Các bệnh ngoài da
Thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt cho cơ thể, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ, kẽ tay, chân và bẹn.
Nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da. Trường hợp bị bội nhiễm nặng còn có thể gây sốt cao.
Cách phòng tránh:
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho làn da, nhất là trong thời tiết giao mùa, khô hanh và mùa hè.
- Hạn chế gãi vì sẽ gây trầy xước da và lây lan vùng da nhiễm bệnh.
- Chọn những loại xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, hạn chế gây kích ứng da.
- Sử dụng những bộ quần áo có chất liệu vải cotton thoáng mát, dễ chịu.
- Sử dụng khẩu trang khi đi ra đường và đồ bảo hộ khi bắt buộc phải tiếp xúc với hóa chất và yếu tố gây hại.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân
- Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng
Trên đây là Các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng và cách phòng chống được Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn sưu tầm và tổng hợp lại. Hãy trang bị kiến thức đầy đủ để phòng ngừa bệnh cho bản thân và cả những người xung quanh nhé.