Theo số liệu báo cáo ban đầu của công ty Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán là khoảng 15,1 kg. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8mmg cho một bóng đèn compact, khối lượng thủy ngân phát tán là 27,2kg. Rất may 3 kho tủ lạnh chứa amalgam để sản xuất đèn chưa bị cháy, vẫn đang được niêm phong.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại buổi công bố kết quả quan trắc
Theo kết quả quan trắc của Bộ tài nguyên môi trường chiều 4/9 thì tại 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ Thủy ngân theo hướng phát tán của dòng khí, tại vị trí hàng rào kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m, 1000m tính từ hàng rào kho bị cháy, cho thấy:
- Khoảng cách 200m từ hàng rào nhà máy, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và Châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị)
- Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy, có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10-30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người)
- Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đó là điểm ở Hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu.
Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác. Ông Võ Tuấn Nhân cho hay, so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR Mỹ, Canada cho thấy: Trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Tuy nhiên, đây là so sánh với ngưỡng của WHO và Châu Âu, Canada , còn so với ngưỡng của Việt Nam thì không vượt.
Cận cảnh đám cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là vụ cháy nổ mất an toàn về hóa chất, và quy mô ảnh hưởng ở mức trung bình.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã làm thiệt hại rất lớn về tài sản, gây ô nhiễm môi trường, không khí, nước mặt, trầm tích, có ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe, môi trường xung quanh. Thứ trưởng TN&MT cho hay, để xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, Bộ đã trao đổi, thống nhất với UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành và công ty tiếp tục thực hiện một số việc, đó là:
- Đề nghị công ty Rạng Đông, khẩn trương thực hiện các biện pháp, không để thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tẩy độc khu vực bị cháy.
- Tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hóa, nguyên liệu vật liệu sử dụng và bị cháy nổ, đặc biệt là việc sử dụng thuỷ ngân lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng thuỷ ngân phát tán ra môi trường.
- UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm bảo vệ sức khỏe, tổ chức chế độ theo dõi sức khỏe thường xuyên và định kỳ…
- Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam sẽ phối hợp chuyên gia Nhật Bản thiết lập mô hình giám sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online thuỷ ngân trong khu vực kiểm soát sau sự cố. Về lâu dài, quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là các đô thị lớn phải có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm, có nguồn hoá chất ra khỏi khu dân cư, tránh sự cố tương tự như Công ty Rạng Đông.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 100 người tới Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Kết quả cho thấy đã có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép). Các trường hợp khác đang đợi kết quả. Không ít người tỏ ra lo lắng, nhất là những người sống gần khu vực cháy.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân khác nhau tùy thuộc dạng ngộ độc, cường độ tiếp xúc. Nếu hít phải thủy ngân, thường có triệu chứng bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm sốt, ớn lạnh, thở khó. Những biểu hiện khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn và viêm ruột, tuy nhiên những biểu hiện này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Trong một số tình huống diễn tiến nặng hơn gây phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Còn ngộ độc mãn do hít thủy ngân gây viêm lợi, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh.
Sau khi có kết quả thông báo quan trắc, nhiều người dân sống xung quanh khu vực nhà máy cảm thấy lo lắng vì có thể trước đó mình đã hít phải khí có chứa thuỷ ngân. Tuy nhiên, PGS Trần Hồng Côn – Khoa hóa học, trường Đại học Tự nhiên, Hà Nội cho biết kết quả hàm lượng này không quá cao và không lo ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người sống xung quanh.
PGS Côn cho biết thuỷ ngân trong không khí là nguy hiểm nhất nhưng thời gian xảy ra vụ cháy ngay sau đó liên tục có mưa lớn thuỷ ngân trong không khí sẽ rơi vào đất và nước. Khi gặp nước sẽ bị rửa trôi.
Đây chính là lý do vì sao điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của trụ sở chính Công ty Rạng Đông 1km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 43: 2017/BTNMT 6,1 lần. Tuy nhiên, khi lượng thuỷ ngân bị thải ra sông Tô Lịch nơi có hàm lượng sunfua rất cao sẽ tác dụng với sunfua tạo thành thuỷ ngân sunfua (HgS), chất này không độc hại.
Mặt khác, hiện nay sau hơn 1 tuần xảy ra vụ cháy, hàm lượng thuỷ ngân ở khu vực xung quanh bán kính 500 mét chỉ còn tồn tại ở đất và khu vực sàn kho bởi vì khi cháy có sử dụng nước dập lửa. Còn đối với người dân ở xung quanh khu vực, nếu những ngày qua không có biểu hiện của phơi nhiễm ban đầu với các triệu chứng bao gồm tăng tiết nước bọt nhiều, viêm ruột thì không bị ngộ độc thuỷ ngân.
Còn ở khu vực Hạ Đình, Thanh Xuân, hàm lượng thuỷ ngân trong không khí đã bị mưa làm cho rơi xuống đất và rửa rồi một phần sau những trận mưa lớn nên không khí không còn thuỷ ngân. Với ngộ độc thuỷ ngân ở dạng không khí là nguy hiểm nhất nhưng đã được trận mưa hoá giải.
Với hàm lượng thuỷ ngân trong đất, PGS Trần Hồng Côn cho rằng người dân không nên sử dụng những loại đất xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông để sử dụng trồng cây, vì chạm chân, tay vào vì có thể dẫn tới nhiễm độc thuỷ ngân qua đường tiếp xúc.
Hiện nay, điều người dân xung quanh khu vực xảy ra đám cháy băn khoăn là nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân mãn tính vì hiện tại người dân chưa có triệu chứng ngộ độc cấp tính nhưng sống tại xung quanh khu vực này sẽ có nguy cơ ngộ độc mãn tính, PGS Côn cho biết điều đó ít xảy ra vì hiện nay thuỷ ngân trong đất chỉ còn ở trong khu vực đám cháy. Việc cô lập khu vực cháy và khoanh vùng khu vực còn thuỷ ngân rất cần thiết. Thuỷ ngân chỉ bốc hơi khi có nhiệt độ cao nên người dân không quá lo lắng.
Theo VTV